Bất động sản tỉnh lẻ: Điểm đến của nhà đầu tư địa ốc 2019
Hữu Tuấn - 03/01/2019 09:35
 
Thị trường bất động sản tỉnh lẻ, đặc biệt là những tỉnh giáp ranh Hà Nội và TP.HCM, sẽ trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư địa ốc năm 2019.

Đua nhau chạy về tỉnh lẻ

Hàng chục cuộc họp liên tục với các đối tác về thiết kế, xây dựng, nhà thầu, phân phối sản phẩm đã được GP.Invest triển khai trong thời gian gần đây để chuẩn bị cho dự án mới. Dự án lớn nhất năm 2019 mà GP.Invest triển khai là Khu đô thị mới Tây Nam Việt Trì (tại phường Minh Nông, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), rộng gần 60 ha. Trong giai đoạn I, GP.Invest sẽ triển khai gần 20 ha, gồm 518 lô nhà liền kề, biệt thự và 2 tòa nhà chung cư với 294 căn hộ nhà ở xã hội, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Giới thiệu Dự án Biên Hòa NewCity của Công ty cổ phần bất động sản Hưng Thịnh tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Gia Huy
Giới thiệu Dự án Biên Hòa New City của Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Thịnh tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Gia Huy

Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land dự kiến trình làng Dự án Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch (Biên Hòa, Đồng Nai) có tổng diện tích hơn 600 ha, tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Him Lam cũng đang báo cáo đề xuất thành lập khu kinh tế mở trên địa bàn 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước.

Về phần mình, sau thời gian phát triển mạnh ở TP.HCM, Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Thịnh đang chuyển hướng đầu tư vào TP. Biên Hòa (Đồng Nai) với Dự án Biên Hòa NewCity, tổng diện tích hơn 181 ha với 3.625 sản phẩm nhà đất. Đây sẽ là dự án trọng điểm của Hưng Thịnh trong năm 2019.

Trong khi đó, Tập đoàn Novaland công bố, năm 2019 sẽ phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Trước đó, Novaland chủ yếu phát triển các dự án chung cư cao cấp, dự án nhà phố, biệt thự tại TP.HCM.

Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát, một doanh nghiệp có khá nhiều dự án tại TP.HCM cho biết, sẽ phát triển dự án bất động sản tại Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) trong năm 2019, sau khi mua lại từ Công ty Việt Úc. Dự án nghỉ dưỡng này có quy mô diện tích 26 ha, được tỉnh Bình Thuận đưa ra đấu giá vào tháng 5/2018 và Công ty Việt Úc đã trúng đấu giá (772 tỷ đồng).

Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, T&T… trong năm 2019 sẽ xúc tiến hàng loạt dự án ở khắp các tỉnh, thành phố, tập trung vào 2 phân khúc là du lịch nghỉ dưỡng và căn hộ.

Nhìn vào kế hoạch của các doanh nghiệp bất động sản, có thể thấy, thị trường bất động sản tỉnh lẻ, đặc biệt là những tỉnh giáp ranh Hà Nội và TP.HCM, sẽ trở thành điểm đến mới của các nhà phát triển bất động sản trong năm 2019.

Dư địa lớn, rủi ro cũng lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chủ đầu tư cho biết, Hà Nội và TP.HCM ngày càng khó khăn do giá đất cao, các vị trí đất đắc địa gần như đã có chủ, quy định thủ tục pháp lý rất chặt chẽ và phức tạp… Do đó, các doanh nghiệp phải mở rộng bán kính xa trung tâm theo các trục hạ tầng được kết nối đồng bộ, để săn tìm quỹ đất lớn hơn, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về quy hoạch, xây dựng cộng đồng, cảnh quan và mảng xanh. Ngoài ra, tại các tỉnh lẻ cũng có nhiều cơ chế thu hút đầu tư bằng cách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển dự án với tốc độ ra hàng nhanh, giá sản phẩm cạnh tranh vừa túi tiền.

Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Đầu tư LDG cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang “đạp chân” lên nhau để tìm kiếm quỹ đất. Trong 2 năm tới (2019 - 2020), LDG sẽ hạn chế tối đa đầu tư vào bất động sản tại TP.HCM, đồng thời đầu tư vào các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Vũng Tàu, Phan Thiết, Cần Thơ.

Còn theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Asia New Time, giá nhà đất tại TP.HCM tăng quá nóng thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng đầu tư nhà đất ở tỉnh lẻ tăng mạnh. Cụ thể, giá nhà đất tại TP.HCM đã tăng bình quân 16 - 40%, có nơi tăng tới 20 - 30% trong năm qua. Trong khi đó, giá đất tại các địa phương lân cận còn khá thấp, nên phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều nhà đầu tư tầm trung tại TP.HCM.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá đất tại Hà Nội cũng bị đẩy lên ở mức quá cao, dẫn đến xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố lân cận. Tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn, vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.

Làn sóng doanh nghiệp bất động sản về các tỉnh lẻ đầu tư được dự báo tiếp tục sôi động trong thời gian tới, làm làm thay đổi thị trường bất động sản ở các địa phương này. Tuy nhiên, làn sóng này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, như nguồn cung quá lớn, giá trị đất có thể không tăng như kỳ vọng… Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi xuống tiền.

Bất động sản khu vực vệ tinh Hà Nội sẽ phát triển mạnh trong năm 2019

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường bất động sản năm 2019 sẽ tiếp tục ổn định và có các bước điều chỉnh, đồng thời quan tâm hơn về chất lượng. Năm 2019, bất động sản công nghiệp sẽ phát triển hơn và thị trường sẽ có sự phân bố lại, không chỉ phát triển sôi nổi ở Hà Nội, TP.HCM, mà sẽ lan rộng ra các thành phố vệ tinh và vùng lân cận hai thành phố lớn này.

Năm 2019, nhờ sự phát triển của kết cấu hạ tầng mà thị trường đất đai các thành phố xung quanh Hà Nội và TP.HCM sẽ phát triển rất tốt. Các chủ đầu tư đang có xu hướng phát triển nhiều dự án ở khu vực lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc…

(Nguồn: Hội nghị Bất động sản 2018 - VRES 2018)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản