Bất động sản TP.HCM: Khan hiếm dự án nhà ở giá rẻ
Gia Phú - 05/03/2018 15:30
 
Bước vào năm 2018, hàng loạt dự án chung cư tại TP.HCM được mở bán, nhưng chủ yếu là các dự án có giá tầm trung tới cao cấp, trong khi đó, nhà ở giá rẻ vẫn vắng bóng.

Nhiều dự án ở phân khúc giá tầm trung

Theo thông tin từ các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM mở bán dự án mới, từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018, các căn hộ đều ở phân khúc giá tầm trung, khoảng trên 1,5 tỷ đồng/căn, chưa bao gồm thuế và những khoản phát sinh.

Các chủ đầu tư như HimLam Land, Nova Land, HungThinh Corp, Vingroup, Nam Long… cho biết, hiện các dự án đang mở bán có giá không dưới 1,5 tỷ đồng/căn hộ.

.
Năm 2018, các dự án nhà ở giá rẻ vẫn vắng bóng tại TP.HCM

Dự án chung cư Masteri An Phú tại quận 2, do Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư, hay Dự án Ascent Lakeside tại quận 7, của Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phát, đều có giá trên 2 tỷ đồng/căn hộ. Đất Xanh cũng vừa “tung” ra thị trường Dự án Gem Reverside tại khu Đông TP.HCM, với giá khoảng 2,5 tỷ đồng/căn hộ.

Giới thiệu ra thị trường cuối năm 2017 và chính thức mở bán tháng 1/2018, Dự án Dreamhome Riverside của Công ty cổ phần Nhà Mơ tại quận 8 từng quảng cáo chỉ có giá 1 tỷ đồng/căn hộ. Nhưng thực chất, mức giá này chỉ dành cho những căn hộ diện tích nhỏ, vị trí không đẹp với số lượng hạn chế, và chưa bao gồm thuế VAT. Đối với các căn hộ đẹp, nếu tính cả thuế VAT, thì giá cũng lên tới trên 1,5 tỷ đồng.

Thị trường địa ốc TP.HCM đang thiếu vắng những dự án ở phân khúc giá rẻ, dưới 1 tỷ đồng/căn hộ. Những doanh nghiệp từng xây dựng nhà ở giá rẻ của TP.HCM, như Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành… đều không có dự án mới được mở bán từ giữa năm 2017 đến nay.

“Khát” nhà ở giá rẻ

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, do giá vật liệu xây dựng đang tăng mạnh, quỹ đất ngày càng khan hiếm; chi phí để phát triển dự án mà nhà đầu tư đang phải gánh cũng tăng lên, buộc doanh nghiệp phải bán giá cao để đảm bảo lợi nhuận.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Cát Tường Group cho rằng, TP.HCM đang thiếu chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, đơn cử như việc không cho phép  xây dựng căn hộ có diện tích dưới 45 m2, bởi chỉ những căn hộ diện tích nhỏ thì mới có mức giá thấp.

Có thâm niên trong xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ ở khu Tây TP.HCM, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành đã xây dựng 2.000 căn hộ cho thuê trong 49 năm với giá khoảng 400 triệu đồng và đang có 185 căn hộ cho thuê với giá 1,5-2 triệu đồng/tháng.

Giải thích việc thị trường vắng bóng nhà giá rẻ, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, điểm khó khăn nhất trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở giá rẻ là thủ tục hành chính. “Chúng tôi xin giấy phép xây dựng nhà ở xã hội từ tháng 7/2016, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt, mặc dù đã có quyết định giao đất và doanh nghiệp cũng đã đóng tiền sử dụng đất”, ông Nghĩa nói.

Cùng chung bức xúc này, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, doanh nghiệp đã từng triển khai 18 dự án nhà ở xã hội với 16.500 căn hộ, cho biết, Hoàng Quân còn nhiều dự án ở quận Bình Chánh và Bình Tân, nhưng nhiều năm nay không khởi công được vì chưa xong thủ tục. “Chúng tôi đã có đất sạch nhưng vướng quy trình từ các sở, các quận, nên đến nay các dự án vẫn nằm bất động”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân TP.HCM ở mức cao, trong khi đó, các doanh nghiệp lại đang đặt nặng doanh thu và lợi nhuận, chính sách về tín dụng và các khoản vay dành cho những dự án nhà ở giá rẻ và người thu nhập thấp còn rất hạn chế. Đây là những nguyên nhân khiến thị trường TP.HCM khan hiếm các dự án nhà ở giá rẻ.

“TP.HCM cần có ngay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng cần cung cấp những gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở giá rẻ, như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được triển khai năm 2014”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Ông Châu thông tin thêm, UBND TP.HCM đã hai lần có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị về việc không cho phép xây dựng căn hộ thương mại diện tích dưới 45 m2, nhưng trước đó, Thành phố đã cho phép xây dựng căn hộ 38 m2.

Chủ tịch HoREA “hiến kế”, TP.HCM có thể cho phép thực hiện những dự án có diện tích căn hộ dưới 50m2, ở mỗi dự án có thể cho chủ đầu tư xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ, với tỷ lệ khoảng 25% tổng số căn hộ. Tại các huyện ngoại thành và các quận ven khu vực trung tâm, nếu hạ tầng đồng bộ, việc phát triển các căn hộ diện tích nhỏ là rất cần thiết và khả thi với một tỷ lệ nhất định.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 3 triệu dân nhập cư, chiếm 23% dân số toàn Thành phố. “Đa số lao động nhập cư, người nghèo, công chức có thu nhập thấp không thể mua nhà thương mại với giá hàng tỷ đồng. Vì vậy, Hiệp hội khuyến khích, vận động doanh nghiệp nên chuyển hướng xây dựng các căn hộ vừa túi tiền, xây dựng nhà ở xã hội, tham gia chương trình di dời nhà ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ... nhằm giúp thị trường phát triển bền vững hơn và góp phần ổn định an sinh xã hội”, ông Châu nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản