Chặn dự án bất động sản “ma”: Công bố thông tin sớm và minh bạch là liệu pháp
Lê Quân - 18/02/2022 09:16
 
Để ngăn chặn dự án bất động sản “bánh vẽ” huy động vốn trái luật, việc tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là minh bạch thông tin.
Beverly Hill Lương Sơn - một trong 8 Dự án “ma” tại tỉnh Hòa Bình vừa được Sở Xây dựng tỉnh này công bố
Beverly Hill Lương Sơn - một trong 8 dự án “ma” tại tỉnh Hòa Bình vừa được Sở Xây dựng tỉnh này công bố

Cần có nhiều cảnh báo rủi ro hơn nữa

Sở Xây dựng Hòa Bình vừa phát đi cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tại các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại một văn bản ban hành vào tháng 1/2022, Sở Xây dựng điểm mặt 8 dự án “ma”, gồm những án dự án bất động sản không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, cũng như không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

Cả 8 dự án “ma” này đều tụ họp ở những điểm nóng bất động sản Hòa Bình, bao gồm huyện Lương Sơn, TP. Hòa Bình, huyện Đà Bắc. Trong đó, 4 dự án mang hơi hướng sinh thái và nghỉ dưỡng, gồm Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe và Mountain Villa, đều tọa lạc trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có một trong các hành vi: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng thủ tục quy định; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; trường hợp chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc bị kê biên để đảm bảo thi hành án, bên nhận chuyển nhượng không phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc không đủ năng lực tài chính theo quy định thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Phạt tiền từ 400-600 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định...

Đáng nói, khu biệt thự Green Oasis vẫn ngang nhiên rao bán trên Internet với giá 2 - 3,5 triệu đồng/m2 và tổng giá trị là 670 - 915 triệu đồng/căn biệt thự.

Ngoài 8 dự án “ma”, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng công bố danh sách 31 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản. 

Tại huyện Lương Sơn, hai dự án Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại Tiểu khu 1 và Tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn (diện tích 8,71 ha) và Khu dân cư tại Tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn (diện tích 10,13 ha) do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn IUC và Công ty cổ phần Xây dựng số 7 (Hà Nội) trúng thầu vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.

Sở Xây dựng Hòa Bình khuyến cáo người dân/khách hàng không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, đồng thời tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Minh bạch thông tin để chặn sốt ảo, bẫy lừa đảo

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế khó khăn, nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, trong khi giá căn hộ chung cư tăng bình quân 5-7% thì giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20% và giá đất nền tăng 20-30% so với cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, những địa phương như Hoà Bình bị đẩy giá bất thường do đây được xem là vùng trũng, có sức hút, giá cả tăng mạnh. Chuyên gia này cho rằng, việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có việc thông tin không rõ ràng, nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn, thì hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã hạ nhiệt.

Đối với động thái công bố thông tin vừa qua của Sở Xây dựng Hòa Bình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đó là nghĩa vụ của cơ quan chức năng, nhưng cũng là hành động rất cần thiết giúp minh bạch thông tin trên thị trường, đồng thời cảnh báo rủi ro cho các bên, nhất là phía người mua. Tuy vậy, chuyên gia này nêu vấn đề về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương khi để những dự án “ma” ngang nhiên tồn tại.

Theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có hiệu lực ngày từ ngày 28/1, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động vốn không đúng quy định bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cho rằng, mức xử phạt hành chính tới 1 tỷ đồng là chưa đủ sức răn đe và không đáng kể gì với nhiều doanh nghiệp bất động sản, bởi mức phạt này chưa bằng giá trị một căn chung cư và các chủ đầu tư mánh khóe sẵn sàng “hy sinh” 1 căn hộ để đổi lấy lợi ích trước mắt. Cho nên, việc công khai minh bạch thông tin dự án bất động sản rộng rãi là hết sức cần thiết, để khách mua nắm bắt thông tin, chủ động đánh giá rủi ro và tránh sập bẫy những dự án ma, dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản