Chiến lược của doanh nghiệp Co-working thời Covid-19
Trọng Tín - 24/07/2021 08:35
 
Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Co-working vẫn không ngừng mở rộng. Với DN nhỏ, họ có 2 lựa chọn, là liên kết để phát triển hoặc sáp nhập.
Nhiều Co-working vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, bất chấp Covid-19
Nhiều Co-working vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, bất chấp Covid-19.

Tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

Chỉ ít ngày trước khi TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội, Toong đã đưa vào hoạt động địa điểm mới trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) với 1.250 m2. Đây là địa điểm mới thứ hai liên tiếp trong năm 2021 và cũng là điểm thứ 10 ở TP.HCM của Toong.

Trước đó, đơn vị này công bố đã vận hành không gian làm việc chung đầu tiên tích hợp vào chuỗi khách sạn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trong dự án hợp tác chiến lược với Wink Hotels.

Ông Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập, CEO Toong cho biết, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp này sẽ đưa thêm tối thiểu 2 chi nhánh mới ở TP.HCM vào hoạt động. Trong đó, có một chi nhánh được thiết lập trong cùng tổ hợp căn hộ và khách sạn do Tập đoàn khách sạn IHG quản lý trên đường Cộng Hòa. Đồng thời, Toong cũng đang triển khai hoàn thiện thiết kế và thi công 3 địa điểm hợp tác với Wink Hotels ở Cần Thơ và Đà Nẵng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, những nhu cầu không thiết yếu sẽ bị cắt giảm. CBRE dự báo, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc mua bán - sáp nhập (M&A). Các đơn vị nhỏ hơn sẽ bị mua lại bởi các doanh nghiệp cùng ngành hoặc cũng có thể đến từ các chủ tòa nhà. Với các Co-working khi chứng minh được sự thiết yếu của mình vẫn có khả năng tăng trưởng trong đại dịch.

Toong là một trong số ít doanh nghiệp trên thị trường Co-working (văn phòng làm việc chung) vẫn ổn định với kế hoạch mở rộng. Ông Dương cho biết, trước khi TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, địa điểm tại quận 3 đã được đặt 75%. Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để phát triển nếu biết linh hoạt ứng biến. “Nhìn một cách tích cực thì đại dịch đã giúp chúng tôi thêm nhạy bén trong cách thiết kế dịch vụ của mình”, ông Dương nói.

Đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy của Toong đạt 80% ở TP.HCM, 70% ở Hà Nội. Từ giữa năm 2020, tỷ lệ lấp đầy ở cả 2 thành phố đều tăng. Ông Dương cho biết, tổng doanh thu năm 2020 tăng khoảng 15% so với năm 2019.

Không chỉ Toong, nhiều doanh nghiệp Co-working cũng sẵn sàng mở rộng diện tích và tung ra nhiều dịch vụ thích ứng với mùa dịch để duy trì lượng khách và kiếm thêm nguồn thu. CirCo - chuỗi văn phòng chia sẻ có 3 địa điểm tại TP.HCM cũng nhanh chóng giới thiệu giải pháp phòng họp trực tuyến như một lựa chọn an toàn và linh hoạt cho các công ty có nhu cầu họp online.

Còn Dreamplex cũng tiếp tục chào mời các công ty đến 5 địa điểm Co-working tại TP.HCM và Hà Nội để chia nhóm nhân viên giữa văn phòng chính và các không gian cho thuê của họ. Dịch vụ văn phòng tạm thời cho 4 đến 100 nhân viên trở lên được Công ty tung ra hồi đầu tháng 6. Doanh nghiệp này cũng thông báo kế hoạch khai trương 2 địa điểm mới tại Thảo Điền (Thủ Đức, TP.HCM) và quận 4 lần lượt vào tháng 10 và 11 tới.

Hai lựa chọn của Co-working

Dù các doanh nghiệp Co-working đều có chiến lược riêng và đưa ra nhiều dịch vụ, song ảnh hưởng của dịch bệnh là điều không tránh khỏi, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ. Báo cáo về cơ hội cho các không gian làm việc linh động trước Covid-19 của CBRE cho thấy, tỷ lệ lấy đầy văn phòng dịch vụ Co-working và văn phòng cho thuê đang bị giảm. Trong năm 2020, mảng Co-working tồn kho đã tăng gấp ba lần trong 5 năm trở lại đây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có hai nguyên nhân tác động đến thị trường này.

Thứ nhất, dịch bệnh kéo theo các lệnh giãn cách đã làm hạn chế nhu cầu đi lại của người lao động.

Thứ hai, việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu cũng bị ảnh hưởng. Khi nguồn vốn không dồi dào như trước sẽ không có việc mở rộng sang các nước trong khu vực hay gia tăng quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp, dẫn đến nhu cầu thuê văn phòng bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức.

Theo CBRE, không lâu sau khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 2 năm ngoái, các cá nhân, công ty khởi nghiệp, các công ty vừa và nhỏ gặp căng thẳng tài chính đột ngột đã nhanh chóng yêu cầu biện pháp cứu trợ từ đơn vị kinh doanh Co-working, do họ không có khả năng thanh toán chi phí thuê. Một số doanh nghiệp Co-working đã đưa ra các chính sách thu hút khách hàng gia hạn thuê, phổ biến là giảm tiền thuê một số nhóm khách hàng hiện tại, miễn phí trong một khoảng thời hạn nhất định, hoãn thanh toán hoặc đưa ra mức giá khuyến mãi cao cho các thời hạn thuê dài hơn.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao thị trường Việt Nam của JLL nhận định, cũng giống như văn phòng truyền thống, thị trường Co-working chịu những ảnh hưởng đáng kể trong ngắn hạn bởi Covid-19. Nguồn khách hàng chính của Co-working là các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ. Nhóm khách hàng này chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh, họ chuyển sang làm việc tại nhà để đỡ chi phí và hủy bỏ hợp đồng thuê.

Đứng trước tình hình này, nhiều Co-working nhỏ liên kết với nhau để tăng sức mạnh, hoặc họ cũng có thể sáp nhập vào đơn vị lớn hơn. Với những nhà điều hành thực sự có tầm nhìn, cơ hội vẫn mở ra. Bà Trang Bùi cho rằng, những thách thức sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc khai thác không gian linh hoạt trong ngắn hạn.

Báo cáo của CBRE cho thấy, các chủ tòa nhà có xu hướng phân bố 20% diện tích văn phòng hiện tại cho các không gian làm việc chung và việc này có thể nâng giá trị tòa nhà. Nhóm này có 2 sự lựa chọn để tham gia thị trường, một là tự vận hành, hai là hợp tác với một đơn vị Co-working có thâm niên trên thị trường. Từ năm 2018, một số khách sạn đã thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam, nhưng hợp tác theo mô hình chuỗi thì hiện chỉ mới có Toong và Wink Hotels.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản