Văn phòng truyền thống và không gian làm việc linh hoạt: Cộng sinh thay vì đối đầu
Lê Quân - 23/06/2021 09:11
 
Dự báo về triển vọng văn phòng truyền thống và không gian làm việc linh hoạt, các chuyên gia cho rằng, hai phân khúc này có sự cộng sinh bổ khuyết cho nhau hơn là cạnh tranh đối đầu.
Các không gian làm việc linh hoạt phát triển mạnh trong thời Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Co-working nắm bắt tốt xu hướng thời dịch

Trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, mảng không gian làm việc linh hoạt khá im hơi lặng tiếng trong thu hút vốn ngoại, khi không có dự án riêng biệt nào đáng chú ý, ngoài những hạng mục không gian làm việc linh hoạt len lỏi trong các dự án bất động sản văn phòng.

Ở góc độ phát triển thị trường, Covid-19 mang đến làn gió tích cực cho tăng trưởng của văn phòng linh hoạt, văn phòng chia sẻ (co-working space) và văn phòng ảo - một phân khúc ngách phát triển mạnh trong thời gian qua.

Các nhà phát triển không gian làm việc linh hoạt đã theo phương châm “lưới nhỏ bắt cá nhỏ”, nắm bắt tốt các xu hướng cho thuê thời dịch như xu hướng diện tích trụ sở công ty có chiều hướng thu hẹp, ưu tiên không gian linh hoạt, thoáng đãng, gia tăng sự thoải mái và sáng tạo…

“Các đơn vị phát triển co-working đang tính đến phương án điều chỉnh theo hướng phục vụ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đang cân nhắc về vấn đề giảm chi phí thuê”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết.

Sự chuyển biến này có thể nhận thấy ở Dreamplex, nền tảng không gian làm việc chung đầu tiên ở Việt Nam này đang nắm bắt những cơ hội ở cả sản phẩm không gian làm việc riêng dành cho doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô hơn 100 nhân viên, hay sản phẩm văn phòng ảo dành cho công ty đang hoạt động ở ngoại thành Hà Nội và TP.HCM muốn tiết kiệm chi phí thuê và vận hành văn phòng.

Theo các chuyên gia, lý do khiến mô hình co-working thu hút sự quan tâm là bởi nó cho phép khách thuê lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm.

“Co-working là xu hướng phù hợp với các bạn trẻ thích làm việc ở ngoài, tại những nơi mà môi trường làm việc linh động hơn. Phân khúc này đặc biệt phù hợp với các công ty khởi nghiệp hoặc các cá nhân làm việc tự do”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, co-working có những điểm hạn chế nhất định so với mô hình văn phòng truyền thống. Các doanh nghiệp có trên 30 nhân sự sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, thay vì chú trọng linh hoạt về chỗ ngồi. Co-woking thuận lợi cho việc linh động, nhưng không thể hỗ trợ việc xây dựng văn hóa công ty, vậy nên mô hình này không phù hợp với các công ty có dự định hoạt động lâu dài.

“Hiện nay, các văn phòng hạng B và C đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao nhất thị trường, một phần là do nhiều doanh nghiệp cần có mô hình văn phòng lớn, dao động khoảng 1.000 - 2.000 m2 sàn. Những doanh nghiệp này thường chọn những tòa nhà có giá thuê hợp lý vừa túi tiền để dư chi phí đầu tư lại nội thất, thay đổi lại mô hình làm việc cho phù hợp với văn hóa công ty”, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết.

Văn phòng truyền thống cần thay đổi chiến lược

Các chuyên gia Colliers Việt Nam dự báo, trong tương lai gần, thị trường văn phòng cho thuê không có khả năng bị đe dọa bởi các mô hình làm việc thay thế. Không gian làm việc chung ở Việt Nam có khả năng tiếp tục phát triển cùng với các không gian văn phòng truyền thống.

Dù Covid-19 đã tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của văn phòng linh hoạt, nhưng đây chỉ là một cú hích buộc các công ty phải đẩy nhanh quá trình cải tạo và cải tiến nơi làm việc.

Thị trường văn phòng truyền thống vẫn sẽ tồn tại, nhưng sẽ thay đổi khi con người được đặt làm trọng tâm. Với sự phát triển của công nghệ, các giải pháp vận hành hiện đại, tương lai của thị trường văn phòng truyền thống vẫn khả quan, nhưng khó khăn không phải là ít.

Bên cạnh các yếu tố về tài chính, an toàn và sức khoẻ của nhân viên, các nhà phát triển văn phòng truyền thống cần chú ý đến yếu tố thiết kế văn phòng để có thể tối ưu hóa và đa dạng không gian làm việc linh hoạt, tạo ra nhiều cơ hội giao lưu kết nối giữa cá nhân, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

“Thị trường chứng kiến việc nhiều chủ đầu tư đã chủ động và tiên phong tạo ra những cao ốc văn phòng cho thuê chất lượng, chú trọng đến sức khỏe của khách thuê, gia tăng sự thoải mái về cả thể chất và tinh thần tại môi trường lao động hiện đại. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh của phân khúc văn phòng truyền thống so với các mô hình khác”, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam cho biết.

Ông Andrew Macpherson, Trưởng bộ phận phát triển tài sản của Tập đoàn JLL tại châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị: “Để thu hút khách thuê và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ, các chủ sở hữu tòa nhà văn phòng cũng như các nhà đầu tư phải nâng cao nhận thức về cải tiến mỹ quan, khả năng vận hành, cho đến mở rộng nâng cấp, hay thậm chí định vị lại tài sản”.

Việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước, thiết bị thông minh để theo dõi, đo lường và giảm tiêu thụ năng lượng được coi là nền tảng của chiến lược bền vững cho các tòa nhà văn phòng truyền thống. “Những cải tiến này hơn hết đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các chủ sở hữu tòa nhà”, ông Andrew Macpherson lưu ý.

 

Dù xu hướng không gian làm việc linh hoạt ngày càng gia tăng, song nguồn cung văn phòng truyền thống tại TP.HCM trong quý I/2021 vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 2,4 triệu m2, với phần lớn nguồn cung đến từ văn phòng hạng B và C. Còn tại Hà Nội, nguồn cung văn phòng quý I cũng tăng 10% so cùng kỳ năm trước, lên trên 2 triệu m2.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản