Cuối năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM không có kế hoạch chào bán dự án mới
Gia Huy - 19/10/2019 09:31
 
Thị trường bất động sản TP.HCM từ đầu năm tới nay chứng kiến lượng hàng mở bán giảm mạnh. Bước vào quý IV/2019, các doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch ra dự án mới.
.
Theo dự báo, thị trường bất động sản quý IV không có nhiều dự án mới ra hàng.

Tăng trưởng chỉ nhờ… 1 dự án khủng

Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường DKRA Vietnam, trong quý III vừa qua, có 13.853 căn hộ mới mở bán đến từ 8 dự án (4 dự án mới, 4 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo), tăng gấp 5,4 lần so với quý trước (chỉ 2.559 căn) và tăng khoảng 71% so với cùng kỳ năm 2018 (8.104 căn).

Công ty TNHH Jones Lang Lasalle (JLL) cũng ghi nhận mức tăng hơn 10.000 sản phẩm chung cư được mở bán trong quý III. Một điểm chung mà các đơn vị nghiên cứu thị trường đưa ra, đó là lượng hàng này nằm chủ yếu ở 1 dự án.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D (DKRA Vietnam) cho biết, nguồn cung lớn tăng mạnh chủ yếu từ Dự án Vinhomes Grand Park của Vingroup ở quận 9 với hơn 10.346 căn. Đây cũng là nguyên nhân đẩy nguồn cung khu Đông (chiếm 76% thị trường) và phân khúc tầm trung dẫn đầu thị trường trong quý III (chiếm 89% nguồn cung).

Về lý do ít dự án mở bán, theo ông Nguyễn Hoàng, trong thời gian gần đây thủ tục phê duyệt xây dựng kéo dài, nên các dự án mới không được cấp phép. Các dự án có lượng hàng bán ra lần này đã được cấp phép từ trước đó.

Giới phân tích cho rằng, thị trường tăng nhưng chỉ dựa chủ yếu vào một dự án như hiện nay là điều đáng lo ngại.

Thứ nhất, tình trạng tăng cục bộ sẽ tạo ra một mức giá mới, bởi tất cả các khách hàng đều đổ về một dự án mua sẽ tạo ra việc tăng giá.

Thứ hai, nguồn hàng phân bổ không đồng đều ở các khu vực sẽ tạo ra gánh nặng về giao thông và khách hàng không có nhiều lựa chọn để mua nhà ở phù hợp với nơi làm việc.

Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM rất nhiều, nhưng không ra được dự án mới để bán hàng, sẽ tạo ra khó khăn trong hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có trong tay hàng chục quỹ đất lớn, nhưng vì thời gian dài không thể phát triển được dự án từ quỹ đất này, đã buộc phải chào bán quỹ đất dự án của mình. Đơn cử, Đất Xanh Group đang chào bán quỹ đất rộng hơn 3 ha tại đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) mà doanh nghiệp này lên kế hoạch làm dự án Opal City. Pi Group cũng chào bán quỹ đất hơn 6 ha tại quận 12, đã lên kế hoạch làm dự án Pi City.

Quý IV chưa thấy khởi sắc

Trao đổi với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM về kế hoạch ra hàng quý IV/2019, hầu hết họ đều cho biết là không có kế hoạch.

Cụ thể, Tập đoàn Đại Phúc với dự án Van Phuc City tại Quốc lộ 13, diện tích 198 ha, mới triển khai 2 giai đoạn. Hiện chủ đầu tư cho biết, tạm thời không triển khai và bán tiếp hàng dịp cuối năm 2019, mà sẽ mở bán lại vào quý I/2020.

Trong quý IV/2019, sức mua sẽ giảm vì chính sách tín dụng mua nhà ngày càng khó khăn hơn, kèm theo đó là lãi suất cho vay có dấu hiệu tăng lên.

Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land từ năm 2016 tới nay chưa ra được dự án nào mới, quý IV này cũng vậy. Hưng Thinh Corp cũng cho biết, từ nay tới đầu năm 2020, không có kế hoạch ra hàng dự án mới tại TP.HCM. Năm 2019, doanh nghiệp này mới chỉ ra được 1 dự án chung cư tại quận 7.

Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, Công ty Bất động sản Hà Đô, TTC land, Vietcomreal… cũng không có kế hoạch cho việc ra hàng dự án mới vào quý IV/2019.

DKRA Vietnam dự báo, trong quý IV/2019, nguồn cung căn hộ sẽ giảm mạnh, dao động trong khoảng 5.000 - 6.000 căn vì lượng hàng ở dự án Vinhomes Grand Park của Vingroup ở quận 9 đã bán hết. Các doanh nghiệp khác không thông báo kế hoạch ra dự án trong quý IV. Sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ so với quý III và khó có đột biến lớn.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong quý IV, sức mua sẽ giảm vì chính sách tín dụng mua nhà ngày càng khó khăn hơn, kèm theo đó là lãi suất cho vay có dấu hiệu tăng lên. Việc cho thuê không còn lãi như trước, nên những người mua nhà (chủ yếu là các nhà đầu tư) có phần “chùn tay”.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cũng cho rằng, thị trường không có nhiều khởi sắc vào quý IV, dù theo thông lệ thì đây là thời điểm các dự án được doanh nghiệp mở bán nhiều nhất, vì dòng tiền và nhu cầu của khách hàng rất lớn. “Tắc cấp phép dự án mới tại TP.HCM, nên các doanh nghiệp không thể phát triển dự án trong thời điểm vàng này”, bà Hương nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, một tín hiệu xấu nữa cho thị trường địa ốc cuối năm 2019, đó là mới đây Cục Thuế TP.HCM ra thông báo không nhận phí chuyển nhượng 2% của khách hàng chuyển nhượng bất động sản.

Ngay sau khi thông báo này đưa ra, các doanh nghiệp bất động sản lập tức gặp khó khăn. Tập đoàn Hà Đô cho biết, từ năm 2016 tới nay, doanh nghiệp này không ra được dự án mới, các hoạt động chủ yếu là giao dịch chuyển nhượng căn hộ cho khách hàng ở dự án cũ tại đường 3/2 (quận 10), nhưng tới nay, Cục Thuế không nhận phí chuyển nhượng 2%, nên không thể thực hiện các giao dịch chuyển nhượng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản