Dải siêu đô thị miền Trung
Tâm Đăng - 17/11/2020 20:39
 
Cùng với Hà Nội ở phía Bắc và TP.HCM ở phía Nam, miền Trung cũng hình thành “vùng siêu đô thị”, với Đà Nẵng là hạt nhân.

Song không gian đô thị tại miền Trung kéo dài dọc theo tuyến giao thông ven biển, nên có cấu trúc dải đô thị ven biển.

Sau hơn 20 năm phát triển, Đà Nẵng trở thành đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, là hạt nhân của “dải siêu đô thị” miền Trung.
Sau hơn 20 năm phát triển, Đà Nẵng trở thành đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, là hạt nhân của “dải siêu đô thị” miền Trung.

Những hình mẫu

Có thể nói, sự phát triển của Đà Nẵng hiện nay chính là hình ảnh điển hình nhất cho quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở miền Trung. Từ một đô thị ven biển với hạ tầng lạc hậu, sau hơn 20 năm chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, chính quyền TP. Đà Nẵng đã rất tích cực tiếp cận nhiều mô hình phát triển đô thị trên thế giới nhằm tìm ra một mô hình phát triển đô thị mới trong tương lai. Sau quá trình nghiên cứu, mới đây, Đà Nẵng đã công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến nhân dân. Đồ án được liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện.

Dự thảo Đồ án thể hiện mô hình, cấu trúc phát triển đô thị Đà Nẵng được xác định theo các mục tiêu chiến lược bao gồm bảo tồn thiên nhiên, tăng cường mạng lưới cây xanh và mặt nước để tạo ra một thành phố thân thiện môi trường; cải thiện cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng phục hồi của TP. Đà Nẵng; cụ thể hóa các chiến lược quy hoạch thông qua quy hoạch phân cấp các cụm việc làm và các nút đô thị; gia tăng mật độ dân số để phát triển mô hình đô thị nén; cải thiện hệ thống giao thông và sự phát triển của Thành phố theo định hướng giao thông công cộng; phát triển các khu đô thị để xây dựng một thành phố sôi động; bảo tồn di sản đô thị như một phần của bản sắc riêng biệt Đà Nẵng.

Không riêng Đà Nẵng, nhiều tỉnh, thành phố khác ở miền Trung cũng đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm hướng phát triển mới cho các đô thị nhằm phù hợp với tình hình và xu thế chung của nền kinh tế. Là một đô thị có vị trí sát biển, Tuy Hòa - Phú Yên trở thành hình mẫu  cho sự phát triển của một thành phố trẻ năng động, hiện đại trong tương lai ở dải đất miền Trung.

Dấu ấn phát triển của TP. Tuy Hòa được thể hiện qua những bước chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng đô thị. Theo đó, Tuy Hòa từng bước được đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng ngày một khang trang, đồng bộ và hiện đại. Điều này được thể hiện qua việc khai thông kết nối các tuyến đường ngang, đường dọc, mở rộng các tuyến đường ven biển để phát triển và mở rộng không gian đô thị. Bên cạnh đó, các công trình, công viên, dải phân cách cây xanh, dải cây xanh trên vỉa hè được xây dựng và trồng mới; điện đường, điện trang trí được đầu tư…

Cũng nhờ sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, Tuy Hòa trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư. Một số dự án lớn do doanh nghiệp đầu tư đã hoàn tất, đưa vào hoạt động như Vincom Plaza, Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới PYTOPIA, chuỗi nhà hàng, khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển Tuy Hòa, cùng hàng loạt công trình lớn như cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa, hồ điều hòa Hồ Sơn, tuyến đường đi bộ, công viên biển, bến Nghinh Phong - nút giao Nguyễn Hữu Thọ, Độc Lập... Các công trình đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đưa Tuy Hòa trở thành một thành phố trẻ trung, hiện đại.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh phú Yên đã chỉ đạo TP. Tuy Hòa từng bước đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển thành đô thị “xanh - sạch - đẹp”, thân thiện và từng bước hiện đại. Trong thời gian tới, TP. Tuy Hòa sẽ tiếp tục triển khai các dự án hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng quy chuẩn, hiện đại; phối hợp cùng chủ đầu tư triển khai các dự án lớn trên địa bàn để Thành phố ngày một khang trang”.

Khác với một đô thị trẻ Tuy Hòa tràn đầy sức sống đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ, một Đà Nẵng sầm uất hiện đại là trung tâm khu vực, TP. Huế đã lựa chọn một hướng phát triển riêng dựa trên các yếu tố lịch sử, văn hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, tại Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2019, định hướng xây dựng và phát triển đô thị Huế sẽ dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

“Theo Quy hoạch chung TP. Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không gian đô thị Huế được mở rộng. Đây là cơ sở xây dựng vùng lõi đô thị để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nói.

Hình thành dải đô thị miền Trung

Theo PGS-TS-KTS Đỗ Đức Viêm, Thành viên Hội đồng Sáng lập Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, với đặc thù về vị trí địa lý, những năm qua, nhịp độ đô thị hóa trên địa bàn Đà Nẵng tăng nhanh và từng bước mở rộng ra các vùng phụ cận. Điều đó tạo nên hiện tượng đô thị phát triển mở rộng ra ngoại vi dọc theo các trục giao thông đối ngoại và nối liền các điểm đô thị phụ cận, tạo nên một khu vực đô thị hóa liên tục, vượt ra ngoài phạm vi hành chính của TP. Đà Nẵng.

“Ở nước ta, sau sự hình thành ‘vùng siêu đô thị’ của Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc và của TP.HCM ở phía Nam, thì miền Trung cũng xuất hiện xu thế ‘vùng siêu đô thị’ với Đà Nẵng là hạt nhân. Tuy vậy, do điều kiện địa hình, Đà Nẵng hình thành không gian đô thị hóa kéo dài dọc theo tuyến giao thông đối ngoại và nối liền lại nên được gọi là ‘dải siêu đô thị’”, PGS-TS-KTS Đỗ Đức Viêm cho biết.

Dải đô thị ven biển miền Trung với cấu trúc chuỗi đô thị biển, có TP. Đà Nẵng phát triển nổi bật, tạo động lực cho Trung bộ, kết hợp với các đô thị lớn dọc biển như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, hình thành trục liên kết Bắc - Nam, làm điểm tựa để vùng Tây Nguyên vươn ra biển.

Theo PGS-TS-KTS Đỗ Đức Viêm, với một khu vực đô thị hóa ngày càng mở rộng, vượt ra ngoài phạm vị hành chính thành phố, Đà Nẵng đang từng bước cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất đóng vai trò động lực phát triển đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Xu thế hình thành “vùng siêu đô thị” có tác động lớn tới hình thái phát triển không gian của đô thị hạt nhân và các đô thị khác trong toàn vùng. Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp một cách hài hòa giữa các đơn vị hành chính liên quan trong quy hoạch, xây dựng và quản lý giữa đô thị hạt nhân và các đô thị thành phần, để đảm bảo cho các hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực được hợp lý và thuận lợi.

ThS-KTS Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, dải đô thị hóa ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Thời gian qua, miền Trung đã phát huy lợi thế về du lịch biển, nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, điển hình như Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang…

Cũng theo ThS-KTS Phạm Thị Nhâm, dải đô thị ven biển miền Trung với cấu trúc chuỗi đô thị biển, có TP. Đà Nẵng phát triển nổi bật, tạo động lực cho Trung bộ; kết hợp với các đô thị lớn dọc biển như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, hình thành trục liên kết Bắc - Nam, làm điểm tựa để vùng Tây Nguyên vươn ra biển.

“Trong những năm tới, khi đường cao tốc Bắc - Nam liên thông hai vùng đô thị hoá ven biển Đồng bằng sông Hồng - Đồng bằng Đông Nam bộ và các dải đô thị hoá ven biển miền Trung, sẽ thúc đẩy nền kinh tế biển nước ta, hình thành các đô thị biển quy mô tương xứng với tiềm năng mỗi khu vực. Tiềm năng của miền Trung sẽ phát huy hơn khi kết nối được với Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông Tây nối liền cửa khẩu với cửa biển”, ThS-KTS Phạm Thị Nhâm cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản