Đầu tư địa ốc “bỏ phố về quê”
Trọng Tín - 17/07/2020 10:12
 
Làn sóng “đánh bắt xa bờ” với các dự án ở vùng ven ngày càng mạnh mẽ khi hầu hết doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP.HCM bắt đầu triển khai mạnh chiến lược này từ đầu năm 2020.
.
Việc doanh nghiệp bất động sản mở rộng ra các tỉnh vùng ven là xu hướng tất yếu, khi vùng lõi của Thành phố ngày càng chật chội.

Doanh nghiệp “bỏ phố về quê”

Chiến lược tiến ra vùng ven của các doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM không còn là câu chuyện mới, song từ đầu năm 2020, xu hướng này ngày càng thể hiện rõ. Thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí xa hơn là các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều trong kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp.

Từng có thị phần rất lớn tại TP.HCM, nhưng từ năm 2018, Tập đoàn Novaland đã khởi động chiến lược vươn về các tỉnh. Tính đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư ít nhất 4 dự án, đều có quy mô hàng ngàn héc-ta, tại Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra mới đây, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho biết, trong năm 2020, chiến lược của Novaland vẫn là tập trung phát triển các dự án ở vùng ven. Cụ thể là, tập trung nguồn lực bám sát mục tiêu kinh doanh với nhiều dự án tiềm năng như Aqua City (Đồng Nai); NovaWorld Mekong (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) và NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Một đại gia khác từng vực dậy hàng chục dự án “đắp chiếu” tại TP.HCM là Hưng Thịnh Corp cũng hướng về Đồng Nai, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu để mở rộng thị phần. Ngoài các thị trường quen thuộc, mới đây, Hưng Thịnh Corp tiếp tục chi khoản tiền lớn để mua lại quỹ đất có diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta tại TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Trong khi đó, một ông lớn địa ốc dẫn dắt thị trường nhà phân khúc trung cấp tại TP.HCM là Nam Long cũng quyết định “bỏ phố về quê”. Trong chiến lược phát triển năm 2020, Nam Long tập trung phát triển giai đoạn I của Khu đô thị Waterpoint tại Long An.

Dù đang nắm tổng quỹ đất 681 ha tại nhiều tỉnh/thành phố, nhưng Nam Long vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để “săn” thêm đất. Mục tiêu thu mua của công ty này là quỹ đất có quy mô lớn, thuộc các tỉnh/thành phố vệ tinh hoặc tọa lạc tại cửa ngõ của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cũng là một trong những tên tuổi hàng đầu ở TP.HCM, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt mới đây cũng vừa công bố một dự án trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp ở Thuận An (Bình Dương). Hiện nay, quỹ đất của Phát Đạt đã tăng lên 438,79 ha nhờ “thoát ly” khỏi TP.HCM, tập trung chủ yếu tại cửa ngõ của các tỉnh, thành phố như Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương và Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc khác ở TP.HCM như Danh Khôi, Đất Xanh, Vạn Xuân, Hưng Lộc Phát, An Gia… cũng đang tập trung nguồn lực phát triển dự án ở thị trường các tỉnh.

Xu hướng tất yếu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản mở rộng ra các tỉnh vùng ven là xu hướng tất yếu, khi vùng lõi của Thành phố ngày càng chật chội.

Theo ông Châu, xu hướng này sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn. “Những dự án ở các tỉnh giáp TP.HCM là một lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng, bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định khiến khoảng cách địa lý giữa vùng ven và TP.HCM cũng gần lại”, ông Châu phân tích.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land nhấn mạnh, xu hướng “dạt” về thị trường tỉnh xuất hiện trong cộng đồng doanh nghiệp địa ốc từ 3 năm trở lại đây và phát triển mạnh từ đầu năm 2020.

"Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản ở TP.HCM hạn chế, các tỉnh lân cận đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường. Không chỉ các nhà đầu tư, mà những người mua nhà ở thực và giới trẻ cũng đang tìm về các tỉnh vùng ven để an cư, sinh sống và lập nghiệp, thay vì bám trụ tại TP.HCM như trước đây."

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam

“Giai đoạn 2018 - 2020, thủ tục pháp lý đối với dự án bất động sản tại TP.HCM tắc nghẽn dẫn đến thời gian đầu tư kéo dài, làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn. Chưa kể, giá đất tại Thành phố ngày càng đắt đỏ sau những đợt sốt đất liên hoàn, càng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng ra vùng lân cận, thậm chí xa hơn để phát triển quỹ đất có giá cả phải chăng hơn”, bà Hương chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, điểm mạnh của thị trường bất động sản vùng ven là quỹ đất rộng, giá còn thấp, giao thông kết nối khá tốt và các chủ đầu tư dự án phần lớn đều là những uy tín từ TP.HCM. Đặc biệt, việc cấp phép phát triển dự án ở các địa phương này cởi mở hơn, nguồn cung mới dồi dào đã tạo ra một thị trường sôi động.

Đề cập chính sách và thủ tục pháp lý, ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty Phúc Điền Land đánh giá, khác với sự chững lại của thị trường bất động sản TP.HCM do thiếu cung và vướng mắc pháp lý, thị trường các tỉnh vùng ven như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... lại rất sôi động nhờ cơ chế, chính sách tại các địa phương này thông thoáng hơn, hạ tầng ngày càng phát triển.

“Sự sôi động của thị trường vùng ven sẽ còn kéo dài ít nhất vài năm nữa, cho đến khi nút thắt về pháp lý của thị trường tại TP.HCM được tháo gỡ”, ông Hoài nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản