Đô thị Hà Nội: Trước khi thông minh hãy nghĩ đến hạnh phúc
Thu Trang - 30/01/2020 09:20
 
Hà Nội những năm gần đây đang hướng đến những “dự án đáng sống”, “đô thị thông minh”, nhưng đó không phải những “ốc đảo”, mà vẫn là một phần của Hà Nội. Hướng đến một đô thị hiện đại, thông minh không chỉ là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân, mà còn phải khiến mỗi cư dân cảm thấy hạnh phúc.
.
Đô thị hạnh phúc là nơi người dân được đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống.

1.

Hà Nội - vùng đất “rồng bay” đã trải qua hơn ngàn năm phát triển, với nhiều lần đô thị hóa kể từ cuộc “đô thị hóa” sơ khai trong lịch sử, khi vua Lý Thái Tổ chọn đất, dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long. Đến nay, diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đã không ngừng biến đổi. 

Sau khi mở rộng địa giới (năm 2008), Hà Nội trở nên rộng lớn hơn, với hơn 3.300 km2, dân số từ khoảng 4 triệu người giờ đã tăng lên hơn 8 triệu người, trở thành một trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới. 

Nhưng theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá sự phát triển của một đô thị không đơn giản là đô thị đó có diện tích bao nhiêu hay bằng các con số về thu nhập, về những dự án tỷ đô, mà phải nhìn vào chất lượng sống của cư dân ở đó. 

Thế giới hiện nay không chạy theo những đô thị phình to, mà đang hướng đến mô hình đô thị có quy mô vừa, nhưng quản trị tốt, phù hợp với nền kinh tế, với sự phát triển của đất nước và con người ở đó.

Việt Nam đang chuẩn bị hành trang, với quyết tâm chính trị lớn lao để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sản phẩm được nhắc nhiều là đô thị thông minh, với nền tảng của công nghệ số, Internet kết nối vạn vật hay trí tuệ nhân tạo, để “chạy đua” cùng với sự phát triển  của nhân loại.

Trong xu thế đó, Hà Nội lại là thành phố đầu tiên trong cả nước tiên phong xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là sự kỳ vọng về thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD cùng đối tác Nhật Bản. Nhưng có lẽ, đó là câu chuyện của nhiều năm nữa, với hy vọng những cư dân của thành phố thông minh sẽ không chỉ được hưởng đời sống tiện nghi nhờ công nghệ, mà còn được hưởng một bầu không khí thật sự trong lành. Còn bây giờ, khi chúng ta vẫn phải nghe những cảnh báo về ô nhiễm với mức độ nguy hại đến sức khỏe trên truyền thông mỗi sáng, thì đường tới một đô thị vừa thông minh, vừa có thể làm mỗi cư dân hạnh phúc vẫn còn rất dài. 

2.

Không thể phủ nhận, sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Hà Nội đã phát triển hơn, đời sống nhân dân khấm khá hơn. Nhưng đô thị Hà Nội đã là nơi đáng sống chưa, phát triển đô thị bền vững chưa, thì có thể khẳng định là chưa.

KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, nếu ví Hà Nội như một cơ thể con người, thì phần xương sống chính là hạ tầng giao thông. Việc mất dần đi lõi giữa khi vành đai 3, vành đai 4 đều đổ dồn vào lõi trung tâm để làm việc, rồi lại đổ dồn trở ra đang làm cho hệ thống giao thông Thành phố trì trệ. Chủ trương di dời các bộ, ngành, các nhà máy khỏi nội đô vẫn chưa được thực hiện như kế hoạch, khiến không gian sống vẫn xô bồ giữa khu dân cư và khu làm việc, sản xuất. 8 tuyến đường sắt đô thị làm mãi chưa xong, chưa kể hệ thống BRT sau những hào hứng ban đầu, giờ cũng không phát huy được bao nhiêu tác dụng, trong khi phương tiện cá nhân vẫn tăng chóng mặt, làm cho giao thông Hà Nội như mạch máu nghẽn đọng lâu ngày, hàng ngày, hàng giờ đang làm suy yếu cơ thể đô thị Hà Nội.

Sau 10 năm nhìn lại, hình hài các đô thị vệ tinh vẫn không rõ ràng, không có sức hút đối với cư dân, khiến dân số nội đô vẫn phát triển một cách không kiểm soát được. Chính vì không có tầm nhìn dài hạn, phải nhiều lần điều chỉnh, thay đổi quy hoạch đã tạo ra một đô thị phát triển không đồng bộ, được cái này, thì lại hỏng cái khác. 

Cần nhắc lại rằng, Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng xuất phát là nền văn minh lúa nước, chứ không phải là đời sống đô thị. Có chăng, Thăng Long, Phố Hiến cũng chỉ là những đô thị sơ khai, đô thị cổ. Bản thân nó cũng không được hình thành bởi các khu kinh tế, mà chỉ bám theo trụ sở hành chính của chính quyền phong kiến. Cho đến khi người Pháp vào Việt Nam năm 1884, quy hoạch Hà Nội, rồi đến Hải Phòng, thì lúc đó mới có quy hoạch đô thị, mới có quảng trường, nhà hát, nhà ga, công viên… Do đó, tư duy giải quyết các vấn đề đô thị cũng chỉ hình thành sau này. 

Giờ đây, khi các đô thị ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đối mặt với nhiều vấn đề phải giải quyết, chúng ta mới nhận ra sự lúng túng, bịt chỗ này, hở chỗ kia. Như giải quyết ách tắc giao thông, muốn hạn chế xe máy, hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng lại mắc vì không phát triển được giao thông công cộng. Những vướng mắc tương tự cho thấy, để có một đô thị Hà Nội thực sự phát triển, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ, từ nguồn lực đầu tư, nhân lực quản lý, nhận thức xã hội, đến trình độ văn hóa, ý thức cộng đồng…, chứ không thể chỉ quyết định bởi ý chí. 

3.

Chúng ta làm đô thị thông minh, với hy vọng đó là những thành phố “mẫu”, nhưng nhất định không thể là một ốc đảo, mà ai muốn vào đó phải có “passport”. Làm sao để cư dân của thành phố thông minh được hưởng thụ những dịch vụ thông minh, nhưng đô thị này vẫn là một phần của Hà Nội đã có ngàn năm văn vật. 

Xét cho cùng, đô thị thông minh không phải là Thung lũng Silicon, cũng không phải là khu công nghệ cao - nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ làm ra phần mềm để bán, để làm giàu, mà đó vẫn phải là đô thị sống, là không gian sống.

Thế giới đang hướng đến các đô thị hạnh phúc, chứ không phải những đô thị to lớn. Đô thị hạnh phúc là nơi người dân được đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống, như được phục vụ bởi các dịch vụ công, có việc làm với thu nhập tốt, có nhà ở không đắt đỏ, đi lại thuận tiện, có không gian công cộng, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng và an toàn, không bạo lực. 

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất như to nhất, cao nhất hay vốn đầu tư lớn nhất. 

Cũng đừng tham vọng tạo nên những đô thị Việt Nam sống tốt dập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi đô thị là một cơ thể sống, nó sinh ra, phát triển và cũng có giai đoạn tàn lụi. Một đô thị muốn phát triển bền vững và luôn giữ được sức sống, phải có bàn tay chăm sóc của con người, phải mang giá trị nhân văn, văn hóa, bản sắc riêng của con người, của vùng miền ấy. Nếu chỉ có những công nghệ, những máy móc dù hiện đại nhất, thông minh nhất, nhưng không gắn với những giá trị con người, đó sẽ không bao giờ là một đô thị hạnh phúc. Đã không là một đô thị hạnh phúc, nó sẽ như một không gian tù túng mà con người vô tình tự nhốt mình ngày qua ngày trong đó.

“Tôi rất tâm đắc với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Có thể hiểu một khía cạnh câu nói này là, hãy đàng hoàng đã, rồi hãy nghĩ đến to đẹp. Một đất nước, một thành phố có thể chưa to đẹp, nhưng đàng hoàng, ngăn nắp, trật tự, để mỗi người bước ra đường đều cảm thấy bình an sẽ là đất nước hạnh phúc, đô thị hạnh phúc”, KTS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản