Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ chế gọi vốn mới cho hạ tầng đô thị Hà Nội
Anh Minh - 24/03/2018 07:57
 
Hà Nội vừa có thêm động lực để đẩy nhanh tiến độ gọi vốn, lựa chọn nhà đầu tư cho 24 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường đô thị, với tổng mức đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng.

Rút ngắn “hành trình 700 ngày”

Mặc dù vẫn chưa được toàn quyền quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư, nhưng tiến độ triển khai các dự án PPP hạ tầng giao thông - đô thị trên địa bàn Thủ đô chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi, nếu chiểu theo Thông báo số 03/2018/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án đầu tư PPP để giải quyết ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội.

Hà Nội đang đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với một số Dự án giao thông - đô thị.
Hà Nội đang đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án giao thông - đô thị.

Cụ thể, tại Thông báo số 03/2018/TB-VPCP, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND TP. Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26, Luật Đấu thầu với từng dự án cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Để giúp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ do UBND TP. Hà Nội cung cấp.

Đáng chú ý là, với cơ chế vừa được Chính phủ cho phép, quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP hạ tầng giao thông - đô thị do UBND TP. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể rút ngắn được khoảng 45 - 100 ngày.

UBND TP. Hà Nội cho biết, nếu thực hiện đúng trình tự được ấn định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và các văn bản hướng dẫn liên quan, thời gian để lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng có thể kéo dài tới 700 ngày.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, “hành trình 700 ngày” là quá lâu, nhất là đối với các dự án có mục tiêu hoàn thiện mạng đường vành đai 2,5; vành đai 3 và vành đai 4, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông hoặc xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Liên quan đến đề xuất của UBND TP. Hà Nội về việc ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố ký các hợp đồng dự án nhóm A theo hình thức BT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND TP. Hà Nội chủ động quyết định ủy quyền theo thẩm quyền. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chấm dứt tình trạng “đánh trống ghi tên”

Trước đó, trong văn bản do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2017, ngoài 5 dự án cầu qua sông Hồng và khép kín đường vành đai đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 1/2017, UBND TP. Hà Nội xin bổ sung thêm 15 cụm dự án giao thông mới.

Các dự án này gồm: đầu tư cầu, đường trên tuyến vành đai 4 (cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà, đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32, đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); cầu Đuống 2; cầu Giang Biên và đường nối 2 đầu cầu; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn từ Ba La đến Xuân Mai; đường trục trung tâm huyện Đông Anh; cứng hóa mặt đê Tả sông Hồng; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; đường liên khu vực nối đường 23B - Vân Trì - Quốc lộ 5...

Tổng mức đầu tư của 20 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BT hoặc BT kết hợp BOT này vào khoảng 127.905 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chọn 4 dự án môi trường dân sinh đầu tư theo hình thức BT hoặc BT/BOO cần triển khai sớm, gồm: Dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Dự án Thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy; Dự án Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ. Tổng kinh phí đầu tư của 4 dự án môi trường này vào khoảng 8.616 tỷ đồng.

UBND TP. Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Liên quan đến tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho 24 dự án giao thông - môi trường cấp bách, UBND TP. Hà Nội khẳng định, ngoài yếu tố năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm như ở bất cứ dự án PPP nào, nhà đầu tư phải cam kết ứng trước vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án (không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp) và triển khai ngay việc đầu tư khi UBND TP. Hà Nội cam kết bố trí quỹ đất đối ứng. Các nhà đầu tư cũng phải cam kết ứng trước kinh phí để lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Đây cũng là cơ sở để loại các nhà đầu tư “đánh trống ghi tên” mà không có năng lực thực sự”, một chuyên gia nhận định.

Đầu tư 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội
HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua tổng mức đầu tư dự kiến hơn 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội bao gồm: tuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư