Doanh nghiệp bất động sản tích cực đầu tư số hóa
Trọng Tín - 07/01/2021 09:32
 
Công nghệ số đang được các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đẩy mạnh áp dụng để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
.
Ảnh: Internet

Lời giải của nhiều thay đổi

“Công nghệ số đang là lời giải của nhiều sự thay đổi”, ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group đã nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những trăn trở trong việc tìm kiếm cách thức quản lý, vận hành sản phẩm bất động sản bằng công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh làm thay đổi mọi hành vi của người tiêu dùng.

Ông Hiển cho rằng, bản thân các doanh nghiệp đều thấy rõ đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức. Là cơ hội, vì khi doanh nghiệp bắt tay vào việc chuyển đổi, nếu chọn đúng đường, đúng hướng, thì gần như là người tiên phong. Tuy nhiên, không phải việc chuyển đổi nào cũng làm nên thành công ngay lập tức, mà có thể sẽ gặp phải nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải điều chỉnh nhiều lần mới đạt được kết quả.

Theo CEO Danh Việt Group, Covid-19 đã mở ra cuộc cạnh tranh trong thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường. Khách hàng không thể trực tiếp đến dự án, không tiếp xúc được với chuyên viên tư vấn, thì doanh nghiệp phải đầu tư làm các thước phim giới thiệu dự án, sử dụng các kỹ thuật quay toàn cảnh... Mục tiêu là khách hàng ở nhà, ở nơi làm việc vẫn thấy được, cảm nhận được không gian, cảnh quan, vị trí của dự án, cũng như sản phẩm định hình trong tương lai. “Cho dù thế nào, thì chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, buộc phải làm ngay nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Hiển nói.

Hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đồng tình quan điểm rằng, dù muốn hay không đều sẽ chịu tác động bởi việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm tới. Mức độ cạnh tranh khốc liệt về sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, việc tạo lập hệ sinh thái được xem là nước cờ chiến lược để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong việc nắm giữ khách hàng.

Cùng nhìn nhận lại, từ đầu năm 2020 đến nay, một số chủ đầu tư, sàn môi giới đã bắt đầu rốt ráo thực hiện chiến lược chuyển đổi số, phát triển những sản phẩm bất động sản gắn với tính năng thông minh. Đơn cử như Houze Group với hệ sinh thái từ 6 cộng đồng gồm: cộng đồng mua bán bất động sản, cộng đồng môi giới, cộng đồng cư dân phòng trọ, cộng đồng cư dân căn hộ, cộng đồng nhân viên văn phòng và cộng đồng đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, một trong những ứng dụng của Houze Group là House Map - công nghệ dành cho môi giới bất động sản. Dù mới có mặt trên thị trường được 5 tháng, nhưng ứng dụng này đã thu hút hơn 3.000 môi giới sử dụng như một công cụ chuyên dụng để làm việc. Đây cũng là môi trường kết nối hơn 1.000 cơ hội kinh doanh triển vọng, thiết lập mục tiêu trong năm 2021 sẽ cán mốc 10.000 nhà môi giới.

Còn Tập đoàn Hưng Thịnh mới đây đã công bố chi 10 triệu USD vào Proptech - ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản, với tham vọng tạo ra một nền tảng có thể phục vụ cho tất cả chủ thể tham gia thị trường.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến này trong một khoảng thời gian đủ dài, cộng với sự am hiểu thị trường, Hưng Thịnh tin rằng, sản phẩm công nghệ mang tính đặc thù này sẽ được thị trường đón nhận”, ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh nói.

Chọn hướng tiếp cận khác, Sunshine Group lại tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng. Ngoài chức tăng quản lý, ứng dụng Sunshine App còn tích hợp tính năng dành cho đối tượng quan tâm tới đầu tư tài chính hay giáo dục. Một trong các tính năng gây chú ý của Sunshine App là cho phép “mua chung” bất động sản khi khách hàng có thể tham gia đầu tư với số vốn từ 100 triệu đồng. Theo như quảng cáo của Sunshine, giải pháp này có thể mang lại cho khách hàng mức lợi nhuận 14 - 15%/năm.

Nhiều tên tuổi khác trong ngành như Vinhomes, Gamuda Land, Vạn Phúc Group… cũng đang tích cực đầu tư số hóa hệ thống để không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, định vị khách hàng mục tiêu, mà còn thu thập dữ liệu về hành vi mua bán, quản lý hiệu quả dự án thông qua phân lớp cho đội ngũ kinh doanh, theo dõi các khoản trả trước.

Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản giúp doanh nghiệp tăng trưởng, giảm chi phí, tăng doanh thu và đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo khảo sát của AppDirect.com, những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuyển đổi giúp tiết giảm 27% chi phí hoạt động, nhưng lại tăng doanh thu thêm 32%. Trong thời buổi Covid-19, nếu những nhà phát triển bất động sản biết nắm bắt nhu cầu của khách hàng, kết hợp nhanh chóng thay đổi công nghệ, thúc đẩy các chính sách kinh doanh một cách hợp lý thì có thể đẩy mức tăng trưởng lên đến 45%.

“Áp dụng công nghệ số giúp các bên đều được hưởng lợi”, ông Lực nói và phân tích, thứ nhất là doanh nghiệp quảng bá sản phẩm rộng rãi với chi phí ít hơn; thứ hai là khi đưa công nghệ thực tế ảo vào việc quảng bá sản phẩm sẽ giúp khách hàng khảo sát sản phẩm tốt mà không cần đến trực tiếp, bên bán cũng sẽ tăng tính hấp dẫn của sản phẩm hơn.

Còn theo ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Houze Group, trong cuộc chạy đua với công nghệ số thì ai sở hữu thông tin, dữ liệu càng nhiều sẽ càng giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với nhu cầu của khách hàng. Tăng quy mô về khách hàng đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội chào bán sản phẩm thành công.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng cơ sở dữ liệu của mình thành dữ liệu thông minh, nghĩa là phải làm sạch, làm đẹp nó. Bởi dữ liệu mà không được làm sạch, không tạo ra giá trị thì dữ liệu đó chỉ là bãi rác mà thôi.

 

Theo CBRE Việt Nam, nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay đổ vốn vào công nghệ như một kênh hỗ trợ, tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái kinh doanh bất động sản, nhưng để có thể thay thế hệ thống môi giới truyền thống thì cần thêm nhiều thời gian, bởi giá trị của một sản phẩm bất động sản không hề nhỏ với đa số người mua, cộng thêm các yếu tố về văn hóa, phong thủy... là lý do khiến những người đi mua nhà luôn muốn xem tận mắt, sờ tận tay.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản