Doanh nghiệp địa ốc tự tin “sống khỏe”
Trọng Tín - 07/11/2021 08:21
 
Nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn có mức tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm. Trong quý IV này, các doanh nghiệp tin tưởng thị trường sẽ sôi động hơn nữa vì đây là mùa cao điểm bán hàng.
Hoạt động bán hàng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh trong quý cuối năm 	ảnh: lê toàn
Hoạt động bán hàng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh trong quý cuối năm. Ảnh: Lê Toàn

“Ông lớn” vẫn tăng trưởng tốt

Kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp địa ốc cho thấy khả năng thích ứng và sức chống chịu của thị trường đã được nâng lên, niềm tin của nhà đầu tư vẫn lớn. Ngoại trừ những doanh nghiệp non trẻ, tiềm lực kém, thì các doanh nghiệp đã tham gia thị trường lâu năm, có chiến lược kinh doanh rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, am hiểu thị trường vẫn “sống khỏe”.

Điển hình như Tập đoàn Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng, bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 10.362 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.282 tỷ đồng (tăng 230%) chủ yếu được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet. Lợi nhuận sau thuế hơn 2.549 tỷ đồng, dù giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, song đây cũng là con số khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhà nước vẫn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn. Yếu tố này tạo điều kiện rất lớn cho thị trường bất động sản tăng trưởng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của Novaland chiếm 58% tổng giá trị tài sản, tương ứng 106.858 tỷ đồng. Theo thông tin chia sẻ từ doanh nghiệp, hơn 90% tồn kho là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản thành phẩm, chờ bàn giao cho khách hàng. Người mua đã trả tiền trước cho Novaland gần 7.642 tỷ đồng, tăng 87% so với con số hồi đầu năm. Số tiền này sẽ được ghi nhận vào doanh thu khi Novaland hoàn thành và bàn giao nhà cho khách.

Tương tự, với Tập đoàn Bất động sản An Gia, doanh thu thuần trong 9 tháng của năm cũng tăng gấp hơn 9 lần cùng kỳ, lên mức 687 tỷ đồng, song các chi phí gia tăng mạnh khiến An Gia báo lãi ròng còn 205 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.

Hàng tồn kho của An Gia cũng chiếm 61% tổng giá trị tài sản (khoảng 11.830 tỷ đồng). Trong đó, The Sóng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Westgate (TP.HCM), The Standard (Bình Dương) là những dự án chiếm phần lớn giá trị tồn kho với gần 5.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, An Gia cũng đang ghi nhận trên 3.300 tỷ đồng tiền khách hàng cá nhân trả trước để mua căn hộ dự án.

Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận cao như Tập đoàn Nam Long ghi nhận 709 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 240% so với cùng kỳ.

Được biết, trong quý III/2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nam Long phải tạm hoãn việc mở bán Dự án Mizuki và bàn giao sản phẩm của Dự án Akari tại TP.HCM. Sang quý IV, Nam Long sẽ đẩy mạnh việc bán hàng, trong đó dự án có giá trị nhất là Izumi (Đồng Nai), gồm 275 căn nhà phố/biệt thự có giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Công ty Phát Đạt cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.109 tỷ đồng, Công ty Năm Bảy Bảy lợi nhuận 335 tỷ đồng, Sunshine Homes thu về mức lãi sau thuế 291 tỷ đồng...

Dư địa còn nhiều

Đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm, thì mới được phép ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ vài năm. Với đặc thù này, các doanh nghiệp không phụ thuộc vào tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán, mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu.

Chính vì sự chủ động này, cùng với việc chuẩn bị về chiến lược bán hàng mới, cơ cấu lại hoạt động để tiết giảm chi phí, góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư đã lý giải vì sao thị trường bất động sản dù chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn công bố doanh thu và lợi nhuận cao.

Kết thúc quý III, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest ghi nhận, dù doanh thu của doanh nghiệp giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 639,9 tỷ đồng, nhưng vẫn thu về mức lợi nhuận sau thuế là 106,9 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, dịch bệnh gây ảnh hưởng tới công tác triển khai các dự án, bán hàng và bàn giao các sản phẩm tới khách hàng.

Để khắc phục khó khăn, Văn Phú Invest đã tổ chức các chương trình marketing trực tuyến, tư vấn, chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Đồng thời, xây dựng văn phòng đại diện tại các địa phương có dự án đang triển khai.

Cũng theo lãnh đạo Văn Phú Invest, quý IV sẽ là điểm rơi lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp nhờ bàn giao Dự án The Terra (Hà Đông) và công tác chuẩn bị bán hàng ở Dự án Vlasta (Thanh Hóa). Hiện doanh nghiệp đã ghi nhận hơn 2.015 tỷ đồng tại khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước nhờ số thu từ Dự án The Terra.

Dự báo về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sau dịch, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường sẽ bật mạnh, dư địa phát triển còn nhiều. Quý IV/2021 được dự báo GDP tăng trưởng khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5%. Còn năm 2022 tới, có khả năng GDP tăng trưởng đạt 6,5 - 7%.

Ông Lực nói thêm, mục tiêu của Nhà nước vẫn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn. Yếu tố này tạo điều kiện rất lớn cho thị trường bất động sản tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là một sự thay đổi mang tầm chiến lược, bài toán vĩ mô, vi mô xác định sống chung với dịch bệnh thay vì phong tỏa, siết chặt. “Việc áp dụng Nghị quyết 128 với tất cả hoạt động sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản tìm lại đà hồi phục”, ông Ánh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản