Doanh nghiệp ngoại lấn chiếm thị phần nội thất Việt
Hải Yến - 26/11/2019 08:38
 
Index Living Mall, thương hiệu đồ nội thất gần 20 năm tuổi của Thái Lan đã quay trở lại Việt Nam với tham vọng có được thị phần đáng kể trên thị trường nội thất có quy mô tỷ USD.
.
Năm 2018, Việt Nam đã chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Ông chủ Thái quay lại

Index Living Mall từng đến Việt Nam từ 8 năm trước, với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP.HCM) và ít nhiều tạo ấn tượng với người tiêu dùng bởi giá cả hợp lý. Đến năm 2016, thông qua thỏa thuận nhượng quyền giữa Index Living Mall Thái Lan (thuộc Index Interfurn Group) và Công ty VinDS (Tập đoàn Vingroup), cửa hàng Index Living Mall được VinDS mở tại Trung tâm thương mại Time city tại vị trí đắc địa, bài trí đẹp mắt… với hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ, nhưng cũng không trụ lại lâu.

Việc hợp tác của Index Living Mall với một số đối tác Việt Nam trong giai đoạn này đã không thành công.

Sau hơn 1 năm tạm vắng bóng, với sự trở lại Việt Nam lần này, Index Living Mall đã công bố chiến lược hợp tác mới cùng Công ty cổ phần Nội thất VI (VI Furniture) bằng việc khai trương cửa hàng lớn hơn 1.000 m2, toạ lạc trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, nơi được mệnh danh là “con đường nội thất” sầm uất bậc nhất tại TP.HCM.

Cùng với nỗ lực mang Index Living Mall trở lại Việt Nam với một diện mạo mới, VI Furniture với sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư Vietnam Investment Group (VIG) cũng công bố chiến lược mới, hướng tới mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ nội thất được yêu thích nhất với mỗi gia đình Việt Nam: “Your home - Your Index”. 

Bà Trần Hoàng Ngọc Uyên, Giám đốc VI Furniture cho biết, Công ty đã hoàn thành thủ tục là nhà phân phối độc quyền của Index Living Mall từ tháng 3/2019 và đã bắt tay vào chuẩn bị mặt bằng cho sự xuất hiện của cửa hàng đầu tiên. Cửa hàng tiếp theo sẽ được mở ở quận 2, TP.HCM ngay trong tháng 12/2019.

“Tại thời điểm này, VI Furniture là đối tác nhượng quyền duy nhất của Index Living Mall tại Việt Nam. Index Living Mall trở lại sẽ tạo thêm phần đa đạng và tính sôi động cho thị trường nội thất tại Việt Nam, vốn đang trên đà tăng trưởng tốt, trung bình 9,6% mỗi năm”, bà Uyên kỳ vọng.

Tham vọng có được thị phần đáng kể trên thị trường nội thất Việt, được đánh giá còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới của ông chủ Thái là hoàn toàn hợp lý, nhất là thị trường còn một khoảng trống cho những nhà cung ứng đủ loại vật dụng trang trí nội thất từ nhỏ đến lớn như Index Living Mall. Tại đây, chỉ với 29.000 đồng, khách hàng có thể sở hữu 1 sản phẩm của Index Living Mall bên cạnh những mặt hàng xa xỉ như bộ sofa thời thượng lên đến 50 triệu đồng.

Để chắc chân hơn sau một thời gian tạm vắng bóng, lần trở lại này, Index Living Mall Việt Nam định hướng chiến lược kinh doanh của mình gồm: cung cấp các sản phẩm được kiểm duyệt chất lượng chặt chẽ (Joy Quality), với giá cả hợp lý cho mọi gia đình Việt Nam (Joy Price), duy trì dịch vụ hậu mãi tin cậy (Joy Service) và đáp ứng gu thẩm mỹ của những khách hàng khó tính nhất (Joy Design).

Index Living Mall Việt Nam còn cung cấp dịch vụ thiết kế 3D dựa trên phối cảnh thực tế không gian, giúp khách hàng trải nghiệm nhiều phong cách thiết kế khác nhau cho không gian sống của mình, từ đó dễ dàng chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với ngân sách và theo phong cách thiết kế yêu thích…

Điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế

Tổng giá trị tiêu dùng nội thất của thị trường Việt Nam năm 2018  đạt khoảng 4,5-5  tỷ USD, trong đó, khoản ngoại tệ chi cho tiêu dùng những thương hiệu nội thất cao cấp nhập khẩu của các hãng nổi tiếng thế giới đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Đó là lý do chỉ trong một thời gian rất ngắn, Tập đoàn bán lẻ nội thất AKA Furniture Group đã đưa hàng chục thương hiệu nội thất nhập khẩu cao cấp từ châu Âu vào Việt Nam, với những điểm “dừng chân” tại trung tâm thương mại nhiều đô thị có sức tiêu dùng lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Ông Lý Quí Trung, Ceo AKA Furniture Group cho biết, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất cao cấp tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang tăng rất nhanh. Nhiều khách hàng không tiếc tiền để trải nghiệm những sản phẩm đồ nội thất danh tiếng từ Ý, Đan Mạch… đó là lý do khiến AKA Furniture Group đưa thêm nhiều hãng nội thất cao cấp vào thị trường Việt Nam.

Thống kê cho thấy, năm 2018, Việt Nam đã chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, thị trường nội thất Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu nội thất quốc tế. Ngoài Index Living Mall, thị trường nội thất Việt cũng đã thu hút nhiều hãng ngoại như Ashley (Mỹ) JYSK - chuỗi bán lẻ nội thất lớn nhất Đan Mạch, Kimsfullhouse (Hàn Quốc). Sắp tới, nhiều hãng từ Đức, Thụy Điển cũng nhảy vào thị trường bán lẻ nội thất Việt.

Song, thực tế kinh doanh của nhiều thương hiệu nội thất thời gian qua đã chứng minh, thị trường quy mô hàng tỷ USD, nhưng không phải “ngon ăn”.

Ông Phạm Anh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Văn Anh chuyên về nhập khẩu thiết bị nội thất cung ứng cho các dự án bất động sản tầm trung cho hay, áp lực về chi phí mặt bằng, nhân sự và marketing đối với mảng bán lẻ nội thất không hề dễ thở. Với các thương hiệu quốc tế, bán đủ thứ, từ kệ để bàn chải đánh răng tới sofa, giường tủ… thuê được mặt bằng hàng ngàn m2 trong phố đều được tính hết lên giá đầu vào. Nếu không có những mảng kinh doanh khác yểm trợ trong thời gian nhất định, sẽ khó lòng trụ lại.

Quy mô thị trường tiêu dùng nội thất Việt Nam ước tính trị giá khoảng 5 tỷ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây đang là “miếng bánh ngon” mà nhiều doanh nghiệp nội thất nước ngoài nhắm đến.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản