HoREA hiến kế gỡ vướng 8.808 hồ sơ nhà đất tại TP.HCM
Trọng Tín - 09/09/2024 17:56
 
HoREA đề nghị Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản tồn đọng tại TP.HCM.

Chiều 9/9, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản kiến nghị phối hợp xử lý vướng mắc của UBND Thành phố về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Dự kiến ngày mai (10/9), HoREA sẽ có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM về các nội dung vướng mắc của UBND TP.HCM về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

HoREA kiến nghị có thể cho phép các địa phương vừa tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025, đồng thời tiếp tục áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Ảnh: Lê Toàn

Dẫn số liệu từ Cục Thuế TP.HCM, theo HoREA, do UBND Thành phố chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh khiến hơn 8.800 hồ sơ thuế tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 cho đến nay.

Trong đó, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…).

Ngoài ra, còn có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Qua nghiên cứu, HoREA đề nghị cơ quan thuế giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…, vì tất cả các hồ sơ này đều không bị vướng về pháp lý.

Đối với 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản, HoREA đề nghị phân loại để có cách giải quyết phù hợp.

Theo đó, vướng mắc của 5.448 hồ sơ này do phải thực hiện quy định tại Điều 17 Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất.

Thông tư này quy định giá chuyển nhượng (bao gồm không có công trình xây dựng; có công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai) là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

HoREA cho rằng, trong nhiều năm qua, UBND Thành phố đã ban hành bảng giá sàn nhà, đất để làm căn cứ xem xét giá chuyển nhượng từng lần để tính thuế thu nhập cá nhân và trên thực tế khi cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu khai thấp giá chuyển nhượng thì đã yêu cầu các bên kê khai lại nên đã thực hiện hiệu quả việc chống thất thu thuế và nâng cao nhận thức về nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng chịu thuế.

Tuy nhiên, do Thông tư số 92/2015/TT-BTC còn quy định trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Hiện tại, UBND Thành phố chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên cơ quan thuế không dám giải quyết đối với các trường hợp trên đây và đã 2 lần có văn bản báo cáo lên UBND Thành phố.

Do vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản tồn đọng tại TP.HCM.

Trong đó, đối với các hồ sơ mà các bên chuyển nhượng ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng bằng hoặc cao hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định thì cơ quan Thuế tiếp tục giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định thì yêu cầu các bên kê khai lại giá chuyển nhượng và xem xét giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản như đã thực hiện trong các năm qua.

Đối với 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, HoREA cho rằng cần phải nỗ lực sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong 1 - 2 tuần tới để sớm giải quyết.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị có thể cho phép các địa phương vừa tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025, vừa được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) thì 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản) sẽ được giải quyết ngay.

Đảm bảo công bằng khi điều chỉnh bảng giá đất

HoREA cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết, song đề nghị đơn vị tư vấn xác định giá đất và cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát, “cân chỉnh”, xác định các mức giá đất của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh vừa đúng quy định pháp luật, vừa sát với tình hình thực tế về giá đất tại Thành phố.

Việc ban hành sớm sẽ tháo gỡ cho 8.808 hồ sơ đang bị tồn đọng tại cơ quan thuế và để áp dụng bảng giá đất cho 11 trường hợp theo quy định của Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Tuy nhiên, HoREA đề nghị cần xem lại phương thức tính để đảm bảo sự công bằng.

Cụ thể, HoREA đề xuất dùng phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường đã được UBND Thành phố phê duyệt làm chuẩn và áp dụng phương pháp so sánh để xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực, hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Điều này nhằm bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình sẽ nộp tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024 đến ngày 31/12/2025 cũng sẽ nộp tương đương, hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất từ đầu năm đến nay.

Về mặt cơ chế chính sách, HoREA đề nghị xây dựng các mức giá đất của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh cần bảo đảm công bằng cho cá nhân, hộ gia đình nộp tiền sử dụng đất sau ngày 31/7/2024 cũng sẽ tương đương, hoặc nếu cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 và cập nhật đầy đủ các mức giá đất mà Thành phố đã bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

HoREA đề nghị không dùng phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy bảng giá đất 02 nhân với hệ số để tính đồng loạt tất cả các mức giá đất trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh như trường hợp dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của quận 1, quận 4 và quận 5. Đồng thời, đề nghị xây dựng lại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của các quận này.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị không dùng phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy bảng giá đất 02 nhân hệ số để tính đồng loạt theo từng nhóm tuyến đường trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh như quận 10, quận Phú Nhuận và đề nghị xây dựng lại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của các quận này.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị không xây dựng các mức giá đất của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn 6 quận (gồm quận 3, quận 6, quận 7, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh), 4 huyện (gồm các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ) và TP. Thủ Đức có mức giá đất cao nhất trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh cao hơn mức cao nhất của khung hệ số (K) đối với đất ở theo Quyết định 11.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản