Kinh doanh nhà xưởng, nhà kho xây sẵn: Đón sóng từ cuộc chiến thương mại
Vũ Anh - 23/02/2025 09:47
 
Việt Nam được đánh giá là có nhiều dư địa để phát triển nhà xưởng, nhà kho xây sẵn, vì nếu “chiến tranh thương mại” nổ ra, dự báo nhiều nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sản xuất sang các nước như Việt Nam.
Một khu công nghiệp ở Hưng Yên đang được chủ đầu tư san lấp, mở rộng để xây dựng thêm kho bãi
Một khu công nghiệp ở Hưng Yên đang được chủ đầu tư san lấp, mở rộng để xây dựng thêm kho bãi.

Nhu cầu không ngừng tăng

Báo cáo Triển vọng vùng năm 2025 của Knight Frank khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố mới đây cho thấy, Việt Nam vươn lên thành một trong 3 thị trường mới nổi dẫn đầu trong năm 2025 (bên cạnh Ấn Độ và Indonesia) về tốc độ phát triển công nghiệp và đầu tư.

Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng to lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy bởi vị trí chiến lược, cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi và các chính sách cởi mở. Nhờ các nhân tố và động lực mạnh mẽ, thị trường bất động sản cũng lộ diện nhiều điểm sáng trong năm 2024 ở ba phân khúc là văn phòng; nhà xưởng, nhà kho xây sẵn; căn hộ. Trong đó, phân khúc nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đang được các công ty tư vấn, môi giới bất động sản quy mô toàn cầu quan tâm.

Theo ông Sơn Hoàng, Phó giám đốc Bộ phận tư vấn và định giá Knight Frank Việt Nam, dự kiến trong năm nay, nhu cầu về nhà kho và nhà xưởng xây sẵn vẫn tiếp tục mạnh mẽ nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và các hỗ trợ của Chính phủ đối với sản xuất và thương mại, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.

Knight Frank Việt Nam cho rằng, sự thuận lợi về vị trí cùng với chi phí cạnh tranh giúp Việt Nam trở thành điểm đến nổi trội trong chiến lược “Trung Quốc + 1”, đặc biệt kể từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018.

Trong vòng 6 năm qua, nguồn cung nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đã tăng 2,36 lần, từ 6,6 triệu m2 (năm 2018) lên hơn 15,6 triệu m2 (năm 2024), với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức như Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW, SLP Việt Nam, Frasers Property Vietnam (FPV), Cainiao Network - công ty thành viên chuyên về dịch vụ hậu cần của Tập đoàn Alibaba Group Holding Limited và KCN Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam khiến tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp ở cả hai miền đều đạt mức trên 80%.

Dự án tuân thủ tiêu chuẩn ESG tăng trưởng tốt

Trao đổi với truyền thông quốc tế, bà Fion Ng, Giám đốc điều hành BW Industrial khẳng định, chưa thấy sự giảm sút nào về nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi. Thậm chí, Công ty còn tổ chức nhiều chuyến thăm thực địa hơn cho các nhà sản xuất đến từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Số lượng hợp đồng cho thuê của BW Industrial trong năm 2024 tăng 50% so với năm 2023. Nhà đầu tư này đang cố gắng giữ tốc độ xây dựng 1 triệu m2 đất cho thuê công nghiệp mỗi năm và khẳng định không giảm các khoản đầu tư.

Hiện BW Industrial là một trong những tên tuổi góp thị phần nguồn cung đáng kể tại Bắc Ninh và Hải Phòng. Hai tỉnh này vẫn giữ vai trò là trung tâm công nghiệp chính tại khu vực miền Bắc với nguồn cung mới đến từ BW Thuận Thành 3B - Giai đoạn I, Industrial Centre Yên Phong 2C - Giai đoạn I, BW ESR Nam Đình Vũ và SLP Park Bắc Ninh.

Mới đây, thêm nhiều khu công nghiệp mới tại các tỉnh, thành phố phía Bắc được chấp thuận đầu tư như Khu công nghiệp Nghĩa Hưng (Bắc Giang), với quy mô 148,68 ha, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng; Khu công nghiệp Song Mai - Nghĩa Trung (Bắc Giang) với quy mô 197,1 ha; vốn đầu tư 2.806,21 tỷ đồng. Hay Khu công nghiệp Yên Bình 3 (Thái Nguyên) được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 295,34 ha, có tổng vốn đầu tư trên 4.139 tỷ đồng; Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng), quy mô hơn 652 ha, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Còn tại miền Nam, các tỉnh Đồng Nai và Long An tiếp tục là khu vực phát triển công nghiệp chính, với dự án KCN Hố Nai, KCN Phú An Thạnh, BW Xuyên Á và SLP Park Long Hậu.

Trong thời gian tới, các dự án tuân thủ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và các sản phẩm hỗn hợp dự kiến tăng trưởng tốt, trong khi đó, lợi thế về quỹ đất, giá thuê cạnh tranh và sự nâng cấp về hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện cho các thị trường cấp 2 như Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Bình Phước phát triển hơn. 

Theo bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư (Savills Hà Nội), chiến lược đầu tư cho năm 2025 tại thị trường Việt Nam tùy thuộc vào từng chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư vẫn theo chiến lược cốt lõi thì sẽ nhắm vào phân khúc văn phòng và bán lẻ cao cấp, hạng A hoặc bất động sản giáo dục. Còn nếu chủ đầu tư muốn gia tăng giá trị thì sẽ đầu tư vào phân khúc văn phòng và dự án bán lẻ ngoài trung tâm, chăm sóc sức khỏe, các dự án hỗn hợp. Nhà đầu tư nào muốn nắm bắt cơ hội dài hạn thì sẽ đầu tư vào nhà dưỡng lão, bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, trung tâm dữ liệu.

Bà Dung cho rằng, trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ có triển vọng tích cực, số lượng thương vụ tăng đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này sẽ mang màu sắc ôn hòa nhiều hơn, với xu hướng chủ đạo là tập trung vào lợi ích chung và phát triển hợp tác lâu dài.

“Các thương vụ được thiết kế để tạo ra giá trị cho cả hai bên, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và mở rộng cơ hội kinh doanh. Chú trọng vào hợp tác bền vững không chỉ giúp củng cố mối quan hệ lâu dài giữa các bên liên quan, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển bền vững”, bà Dung nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản