Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Thủ đoạn gian lận thuế qua khai báo sai mục đích
Hồng Vân - 22/07/2025 22:35
 
Khai báo sai mục đích sử dụng trên tờ khai hải quan để hưởng ưu đãi thuế rất khó phát hiện ngay khi thông quan, vì việc chứng minh chỉ được thực hiện ở khâu hậu kiểm. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã nhập lậu sản phẩm giả, kém chất lượng để trục lợi.

Một vụ việc điển hình vừa được lực lượng chức năng triệt phá cách đây không lâu. Qua công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình, kết hợp với thu thập và phân tích dữ liệu nghiệp vụ, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Cục Hải quan) đã xác lập và tổ chức đấu tranh chuyên án với một số doanh nghiệp nhập khẩu dầu cọ tinh luyện.

Các doanh nghiệp này khai báo mục đích sử dụng là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuộc nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, thực tế họ không trực tiếp sản xuất, mà bán cho các cơ sở đóng chai hoặc chế biến dầu ăn cho người. Đây thực chất là hành vi lợi dụng chính sách thông quan để nhập lậu vào Việt Nam.

Theo hồ sơ, tính từ năm 2023 đến nay, Công ty Thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước chỉ nhập khẩu dầu cọ tinh luyện với mục đích làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, với tổng số 148 tờ khai nhập khẩu, trị giá hơn 630 tỷ đồng.

Bị can Đỗ Thị Ngọc Mai, Giám đốc Công ty An Hưng Phước khai nhận, trên hợp đồng và hóa đơn ghi rõ nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi, hai bên cam kết đúng như vậy. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định công ty này thực chất không có hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà chỉ đóng chai dầu cọ tinh luyện thực phẩm để bán.

Theo Thượng tá Nguyễn Thế Trường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Hưng Yên), các đối tượng đã lập ra nhiều công ty “bình phong” để thực hiện các hành vi từ nhập khẩu, sản xuất đến phân phối hàng hóa.

Hành vi trên giúp các đối tượng thu lợi bất chính từ hai nguồn: bán dầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá dầu thực phẩm cho người (cao hơn khoảng 17%) và trốn thuế giá trị gia tăng bằng cách nhập khẩu dưới vỏ bọc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (được hưởng thuế suất 0%), trong khi dầu ăn thực phẩm phải chịu thuế suất 8%.

Trên thực tế, việc quản lý khai báo mục đích sử dụng hàng hóa tại các cửa khẩu gặp nhiều khó khăn, do hải quan chủ yếu dựa vào hồ sơ, chứng từ doanh nghiệp cung cấp để làm thủ tục nhập khẩu; rất khó xác minh được mục đích sử dụng ngay tại thời điểm thông quan. Nhiều mặt hàng, đặc biệt là sản phẩm có tính lưỡng dụng như dầu cọ tinh luyện trong vụ việc nêu trên, có thể dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng trên thực tế. Trong khi đó, chính sách lại áp dụng các mức thuế suất khác nhau tùy theo mục đích, tạo ra kẽ hở lớn cho hành vi gian lận.

Theo ông Đặng Văn Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu, ở khâu thông quan rất khó chứng minh được mục đích sử dụng của doanh nghiệp là đúng hay sai. Trên hồ sơ, chứng từ đều thể hiện sản phẩm được bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lập hóa đơn, chứng từ khống để mua vào - bán ra.

Chưa kể, nguồn lực kiểm tra, xử lý cũng là một thách thức lớn, khi số lượng doanh nghiệp và mặt hàng cần giám sát ngày càng tăng, trong khi cán bộ kiểm tra còn hạn chế cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp vi phạm có thâm niên hoạt động lâu năm, xây dựng hệ thống che giấu chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý.

Để hạn chế gian lận trong nhập khẩu và khai báo sai mục đích sử dụng hàng hóa, cơ quan hải quan cho rằng, cần đánh giá rủi ro, phối hợp với cơ quan thuế nội địa để kiểm tra sau thông quan. Nếu phát hiện nghi vấn có rủi ro cao, sẽ tiến hành thu thập thông tin, điều tra, xác minh theo quy định pháp luật, khởi tố vụ án để răn đe hành vi gian lận.

Lãnh đạo Chi cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, đơn vị đang tham mưu cho Cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác hậu kiểm đối với những nhóm mặt hàng có tính chất lưỡng dụng, sử dụng được cho nhiều mục đích khác nhau. Các cơ quan chuyên ngành cũng cần tăng cường hậu kiểm đối với giấy chứng nhận, giấy phép... về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã cấp cho doanh nghiệp.

Riêng ngành hải quan sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phân tích dữ liệu lớn để đánh giá rủi ro và lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hải quan, thuế và cơ quan chuyên ngành để xử lý vi phạm.n

Giảm thiểu gian lận thuế kinh doanh qua mạng
Năm 2025, thêm một ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trong quản lý thuế là Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư