Mô hình khu công nghiệp sinh thái chưa hấp dẫn đầu tư
Anh Quân - 19/08/2022 10:17
 
Xây dựng khu công nghiệp (KCN) sinh thái đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi hoàn vốn chậm, nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp.
Ảnh minh họa

Vốn lớn, thu hồi chậm

Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển KCN truyền thống sang mô KCN sinh thái để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 là đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tại Diễn đàn KCN Việt Nam 2022, diễn ra mới đây tại TP.HCM, mô hình KCN sinh thái tiếp tục được nhắc đến như một xu hướng tất yếu.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp làm KCN sinh thái phải đáp ứng đủ 8 tiêu chí: kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật và bảo vệ môi trường, lao động; kết cấu hạ tầng đầy đủ dịch vụ cơ bản; sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch; có diện tích đất hợp lý để trồng cây xanh; liên kết cộng sinh công nghiệp; xây dựng công trình xã hội cho người lao động; có cơ chế giám sát, quản lý bảo vệ môi trường; thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường. Do phải đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe, nên việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi hoàn vốn chậm.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng (KCN xây dựng theo mô hình sinh thái), để đầu tư một KCN sinh thái, đòi hỏi vốn lớn hơn bình thường và thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn do hệ số sử dụng đất giảm. Với vốn đầu tư lớn, việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi phải chọn lọc, nên cần có định hướng của địa phương theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các KCN trong cùng địa bàn.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái, GS-TSKH Nguyễn Mại kiến nghị, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương. Đối với những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm KCN mới, thì phải theo mô hình KCN sinh thái.

Sẽ có tín dụng “xanh” cho doanh nghiệp

Về cơ sở pháp lý thực hiện mô hình KCN sinh thái, định nghĩa KCN sinh thái theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cho thấy, việc sử dụng các nguồn tài nguyên (nguồn thải) còn lãng phí; việc sản xuất, kinh doanh tại KCN vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư.

Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 15% KCN theo mô hình chuyên ngành, hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ và chưa có KCN nào đạt chuẩn KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Nghị định 35/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, đã định nghĩa cụ thể hơn về KCN sinh thái với các hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp (chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác và được tái sử dụng tuần hoàn). Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong KCN để đảm bảo cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đặt tiêu chí tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn… Với chủ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh phải chiếm 25%, thay vì 21% như trước. “Đây là giải pháp cũng như tiêu chuẩn đặt ra để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, ưu đãi về hạ tầng, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ”, ông Trung cho biết.

Liên quan cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện các KCN sinh thái, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng phân loại các tiêu chí xanh để có cơ sở cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đây là cơ sở để Chính phủ và các tổ chức quốc tế tế hỗ trợ tài chính, cho vay vốn, cấp tín dụng… cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản