Nếu được gộp lại làm một
- 27/05/2014 09:18
 
TIN LIÊN QUAN

 

TIN LIÊN QUAN
Vẫn đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn
Luật Nhà ở đang "đá nhau" với Luật Kinh doanh BĐS
Bộ Xây dựng đang "đẽo cày giữa đường"?
   
  Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 26/5/2014  

Cụ thể, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quá lỏng khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng. “Như vậy, với những người có nhiều tiền sẽ mua số lượng lớn thì sao (?)” – ông Kiêm đặt câu hỏi.

“Mục đích của ta là giải quyết chỗ ở cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng quy định thế này sẽ gây e ngại trong lĩnh vực đầu tư bất động sản khi nhà đầu tư có thể trục lợi trên thị trường bất động sản. Luật đồng ý mở nhưng cần có chế tài quản lý”, ông Kiêm nói!

Về vấn đề thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, quy định này sinh ra trong bối cảnh thiếu vốn, tài sản chưa hình thành đã cho vay, đang xây dựng, đang thiết kế đã mang đi thế chấp... Đây là giải pháp tình thế, phải có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá, tổng kết và nên cho thí điểm trước khi đưa vào Luật.

Ông Kiêm cũng cho rằng, 2 Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có quá nhiều điểm trùng nhau và không rõ ràng. Nếu được thì gộp lại làm 1 - ông Kiêm đề xuất!

Góp ý với Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, Điều 157 Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) “cho phép các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đều có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đảm bảo phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế” là quá thoáng. “Đồng ý là mở nhưng cần quy định rõ là ở bao lâu thì được sở hữu nhà ở, tránh lợi dụng chính sách lũng đoạn thị trường bất động sản, đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng. Về mặt này, Dự thảo gần như buông”, ông Minh nói!

Về vấn đề này, đại biểu đề xuất, “nên quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở”.

Về vấn đề thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, Đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, cần quy định thông thoáng tạo điều kiện để ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng quy định như thế này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không chặt chẽ.

“Điều 142, khoản 1, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án tại tổ chức tín dụng; khoản 2 Điều 142 cũng có quy định: cá nhân mùa nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng. Như vậy là tiềm ẩn nguy cơ 1 tài sản có thể được thế chấp 2 lần”, đại biểu Trần Văn Minh nói.

Góp ý với Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản, Đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nhà ở hình thành trong tương lai, dân gian nói là mua bán nhà trên giấy. Tôi hình dung khái niệm này ở 2 luật trên chưa đồng nhất. Luật Nhà ở quy định có vẻ chặt chẽ hơn Luật Kinh doanh bất động sản. Ban soạn thảo cần rà soát lại các điều khoản có liên quan đến vấn đề này tại 2 dự án Luật để sau khi ban hành dễ thực thi. Ban soạn thảo hình như chưa thấy đây (tài sản hình thành trong tương lai) là loại tài sản phức tạp. Các tài liệu liên quan đến tài sản này phải được xác định rõ, nếu không sẽ phát sinh nhiều phức tạp, mâu thuẫn. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh Luật Kinh doanh bất động sản chưa hoàn chỉnh. Cần rà soát lại để đảm bảo sự thống nhất. Luật Nhà ở bao gồm nhà ở nhưng Luật Kinh doanh bất động sản cần phải có phạm vi bao trùm rộng hơn”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh cho rằng, 2 Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có rất nhiều điều chung và những điều nhập nhằng, chưa rõ ràng. Phải quy định rõ về những chế định trong kinh doanh bất động sản. Rất nhiều chủ đầu tư lấy tiền khách hàng, nhưng 5, 10 năm sau vẫn là bãi đất hoang, vậy có phải là chiếm đoạt tiền hay không, có phải khởi tố trách nhiệm hình sự không(?)

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 10 nhóm nội dung chủ yếu. Trong đó có việc bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung, phương thức thực hiện, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội cũng được đổi mới. Đáng lưu ý, Dự thảo đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế…  

Trước đó, thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhất trí với nội dung của Dự thảo do Chính phủ trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ nêu tại Điều 157 của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Theo đó, các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đều có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Loại ý kiến thứ hai cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Về Luật Kinh doanh bất động sản, Tờ trình của  Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, luật chưa quy định đủ các chế tài để tạo lập một thị trường bất động sản phát triển đồng bộ và lành mạnh; chưa có quy định để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển có kế hoạch, để nhà nước có thể kiểm soát, điều tiết được cung - cầu của thị trường, dẫn đến thị trường thời gian qua phát triển thiếu ổn định, nhất là đối với thị trường bất động sản và nhà ở.

Tình trạng đầu tư tự phát, theo “phong trào”, theo “đám đông” diễn ra phổ biến. Giá cả bất động sản tăng cao, cộng với tình trạng đầu cơ, kích giá, tạo giá ảo vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận tầng lớp dân cư trong xã hội. Khi thị trường bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, cộng thêm việc các ngân hàng thắt chặt cho vay tín dụng bất động sản thì thị trường lại rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài, giao dịch ít, thậm chí không có giao dịch, giá cả sụt giảm; tồn kho, dư thừa nhiều các loại bất động sản cao cấp, trong khi lại thiếu các loại nhà ở phù hợp để đáp ứng khả năng, nhu cầu của đại đa số người dân.

Chính vì vậy, việc các Dự luật nếu được ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản