Ngành sản xuất xi măng tăng tốc bán hàng
Thế Hoàng - 05/06/2022 14:05
 
Sau 1 năm kinh doanh ảm đạm do dịch bệnh, đặc biệt hồi quý III/2021 với nhiều ngày giãn cách xã hội, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ thị trường xây dựng ấm lên, nhiều doanh nghiệp xi măng đã tăng được sản lượng tiêu thụ và có kết quả kinh doanh tích cực.
Ảnh minh họa
Tiêu thụ xi măng thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Tiêu thụ nội địa được cải thiện

Tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 tăng chưa đầy 1% so với năm 2020, đạt 62,7 triệu tấn. Ảnh hưởng từ các đợt giãn cách khiến tiêu thụ xi măng trong nước tăng chậm, kết quả kinh doanh năm 2021 của không ít doanh nghiệp xi măng đã đi lùi. Bước sang năm 2022, với tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin của Việt Nam đạt cao, nền kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng đang phục hồi, đưa tiêu thụ xi măng quý đầu năm cải thiện đáng kể, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã công bố kết quả kinh doanh khởi sắc.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn vừa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận tích cực. Theo đó, tổng doanh thu đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 11,5% (tương ứng tăng 123 tỷ đồng) so với cùng kỳ, thu nhập khác tăng 119%, nhờ chi phí tài chính tiếp tục giảm 30,4%, giá vốn bán hàng tăng gần 447 tỷ đồng, đưa lợi nhuận trước thuế quý I/2022  đạt 95 tỷ đồng, tăng 77 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Thị trường xây dựng sôi động trở lại, tiêu thụ xi măng cải thiện, chi phí sản xuất được tiết giảm, kết hợp tăng giá bán, giúp doanh thu của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn đạt 738 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng cùng với tốc độ của doanh thu nên lợi nhuận gộp về bán hàng tăng 9%, lên gần 84 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Bỉm Sơn quý I/2022 đạt gần 18 tỷ đồng, tăng thêm 5,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh Covid-19 tại Việt Nam được ngăn chặn cùng với việc tái khởi động các dự án bất động sản, xây dựng, Chính phủ triển khai hàng loạt dự án đầu tư công trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc miền Tây Nam bộ, sân bay Long Thành… sẽ làm tăng nhu cầu về xi măng nội địa trong năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Công ty đã có nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo như sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất clinker (tỷ lệ thay thế đạt 3,5%, cùng kỳ là 2,8%), sử dụng rác thải thông thường làm nhiên liệu thay thế than trong sản xuất xi măng (tỷ lệ thay thế đạt 20,75%, trong khi cùng kỳ là 15%), đã góp phần tiết giảm chi phí.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế. Nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này, nên sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước tăng đáng kể, ước tiêu thụ nội địa 5 tháng đầu năm đạt gần 27 triệu tấn, cộng với 16 triệu tấn xuất khẩu, nâng tổng sản lượng tiêu thụ xi măng khoảng 43 triệu tấn.

Đánh giá triển vọng ngành xi măng 2022, do Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect thực hiện cho biết, mức nền thấp của kết quả kinh doanh năm 2021 sẽ tạo dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xi măng trong năm 2022.

Tại Đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, phần lớn đều công bố kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tham vọng trong năm 2022. Chẳng hạn, Vicem Hoàng Mai phấn đấu lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng (tăng 455,7%), Vicem Bút Sơn phấn đấu lợi nhuận trước thuế 83 tỷ đồng (tăng 48,6%), Vicem Bỉm Sơn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng (tăng 42,7%).

“Các doanh nghiệp xi măng niêm yết có thể cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2022 từ sản lượng tiêu thụ tăng nhờ nhu cầu xi măng tại thị trường nội địa hồi phục (có biên lợi nhuận gộp tốt), giúp giảm bớt việc xuất khẩu bán thành phẩm - clinker”, VNDirect phân tích.

Giảm áp lực chi phí đầu vào

Thị trường xây dựng ấm lên, các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ, giúp ngành xi măng đỡ khó, tăng doanh số bán hàng, nhưng trước tình trạng lạm phát gia tăng, xung đột Nga - Ukraine  đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu tăng cao, gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất xi măng.

Theo Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn, đã tăng lên 220 - 240 USD/tấn và dự báo còn tăng.

Tại thời điểm này, có tiền nhưng chưa chắc đã nhập được than do giá biến động từng ngày và việc thuê tàu biển, container rỗng rất khó. Đã có một số doanh nghiệp phải “ăn đong” than trong sản xuất clinker, dù đã cải tạo hệ thống để sử dụng các loại than cám phẩm cấp thấp, giá rẻ để giảm tối đa chi phí.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có năng lực sản xuất hơn 30 triệu tấn/năm, nhu cầu về than cho 10 nhà máy trong hệ thống khoảng 2,8 triệu tấn/năm, nhưng mua than trong nước chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu.

Ông Lê Hữu Hà, Phó tổng giám đốc Vicem cho hay, phần thiếu hụt than cho sản xuất sẽ được các doanh nghiệp lo từ nhiều nguồn, trong đó có nhập khẩu và gần đây các doanh nghiệp đã triển khai giải pháp sử dụng nhiên liệu thay thế, trong đó, Nhà máy Xi măng Bút Sơn và Xi măng Kiên Lương đốt rác và sử dụng nhiên liệu thay thế được 22%, Sông Thao từ 12 đến 14%...

Để cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh trước áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã tăng giá bán xi măng 2 lần (lần đầu vào cuối tháng 3 và lần 2 vào tháng 5/2022). Tập đoàn Xi măng The Vissai đã tăng 180.000 đồng/tấn sau 2 đợt tăng giá. Tương tự, Xi măng Xuân Thành, Insee, Nghi Sơn, Xi măng Đỉnh Cao (Topcement), Cẩm Phả… cũng tăng giá bán 2 lần. Như vậy, mặt bằng giá xi măng sau 5 tháng đầu năm đã tăng khoảng 10 - 15% tùy thương hiệu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản