Nguồn cung bất động sản giảm sâu
Gia Huy - 13/04/2020 10:27
 
Vướng thủ tục pháp lý là nguyên nhân chính làm thị trường bất động sản TP.HCM giảm nguồn cung kỷ lục trong vòng 5 năm. Nếu tình hình không được cải thiện, có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất từ trước tới nay.
.
Việc vướng pháp lý dự án đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung.

Rối loạn nguồn cung

Tập đoàn Hà Đô xuất hiện tại TP.HCM từ năm 2016, với Dự án Hado Centrosa Garden tại quận 10 với hơn 2.000 căn chung cư. Cũng từ đây, kế hoạch phát triển bất động sản tại TP.HCM được doanh nghiệp này đặt ra với việc mua các quỹ đất để triển khai dự án mới. Ngay sau khi có quỹ đất tại quận 8, doanh nghiệp này tiến hành xin pháp lý dự án và làm nhà mẫu từ năm 2018, nhưng tới nay, tập đoàn này chưa thể triển khai bởi vướng pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án. Quỹ đất khác của Hà Đô tại quận Thủ Đức cũng chung số phận, nên doanh nghiệp này chưa có dự án nào triển khai tiếp.

Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác tại TP.HCM. Việc vướng pháp lý dự án đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung rất lớn.

Cụ thể, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam cho biết, ở phân khúc đất nền, nguồn cung khan hiếm và giao dịch giảm mạnh. Trong quý I/2020, có 3 dự án mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp 175 nền, giảm 74% so với quý trước (khoảng 677 nền) và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là quý có nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 81% (142 nền), giảm 77% so với lượng tiêu thụ của quý trước và giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại phân khúc căn hộ, nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015. Theo khảo sát, toàn thị trường có 7 dự án được mở bán trong quý I/2020, cung ứng 1.547 căn hộ, giảm 70% so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 74% ( 1.146 căn), giảm 74% so với quý trước. Quý I/2020 cũng là quý ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015.

Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, nguồn cung mới cũng giảm. Toàn thị trường có 8 dự án đáng chú ý được mở bán, cung ứng 718 căn, giảm 9% so với quý trước, nhưng tăng 132% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ trong quý đạt 50% nguồn cung mới (359 căn), tăng nhẹ so với quý trước và tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở những dự án mới mở bán trong tháng 1 và tháng 2/2020.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cảnh báo, nếu Thành phố không sớm giải quyết các khó khăn trong việc thẩm định và cấp phép dự án mới, thì nguồn cung các quý tiếp theo của năm 2020 sẽ còn giảm nữa.

Quý II/2020, nguồn cung thị trường có thể tăng nhẹ

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Vietnam cho biết, thị trường quý II/2020 sẽ có tăng trưởng, nhưng không lớn.

Cụ thể, phân khúc đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý I, với khoảng 2.000 - 2.500 căn. Khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới. Loại hình căn hộ hạng sang và trung bình vẫn dẫn dắt thị trường, trong khi căn hộ giá rẻ tiếp tục khan hiếm. Sức cầu chung trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Nếu Thành phố không sớm giải quyết các khó khăn trong việc thẩm định và cấp phép Dự án mới, thì nguồn cung các quý tiếp theo của năm 2020 sẽ còn giảm nữa.

Đối với nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới có thể giảm trong quý II, ở mức 400 - 500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn. Khu Đông và khu Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung mới. Sức cầu duy trì xu hướng giảm từ cuối quý I và khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn. Các biệt thự có mức giá khoảng 10 tỷ đồng/căn luôn được thị trường ưu tiên lựa chọn.

Còn bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh, trong quý I/2020, mức giao dịch của toàn thị trường chưa đến 20% so với mục tiêu kỳ vọng. Do vậy, các chủ đầu tư lớn buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh theo diễn biến thị trường trong quý II và quý III. Tuy nhiên, yếu tố dịch bệnh chỉ là ngắn hạn và các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho cuộc đua chạy nước rút vào các quý cuối năm để bù lại những quý đầu năm.

“Vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khơi thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề. Theo đó, cần thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III, giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế, giống như trên mặt trận chống dịch vậy. Có như thế, chúng ta mới có thể hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế của Chính phủ sau đại dịch”, bà Hương nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản