Nhiều rủi ro khi mua nhà "trên giấy"
Gia Huy - 09/06/2017 09:28
 
Hấp dẫn bởi giá rẻ, tiến độ thanh toán dài hạn, tạo thuận lợi cho khách hàng ít tiền có thể mua nhà được, song loại hình bán nhà hình thành trong tương lai tiềm ẩn không ít rủi ro.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Để giảm thiểu rủi ro đối với việc mua bán nhà hình thành trong tương lai, trước khi mua, người dân nên kiểm tra tính pháp lý. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Rủi ro rình rập

Với sự cấp phép của Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, việc bán nhà hình thành trong tương lai được các chủ đầu tư thực hiện khá phổ biến. Cũng chính vì sự phát triển mạnh ở loại hình bán nhà này, mà rủi ro cho người dân mua nhà hình thành trong tương lai là câu chuyện đã được các chuyên gia khuyến cáo nhiều nhất, bởi các hình thức, thủ đoạn của những doanh nghiệp làm ăn bất chính đang ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn.

Một ví dụ điển hình là Dự án Nhà ở xã hội Hoàng Quân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) do Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 554,9 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 11.899 m2, với 562 căn hộ có diện tích từ 42,2 đến 69,9 m2, được bán với giá 14 triệu đồng/m2 và dự kiến bàn giao nhà vào quý IV/2015. Theo các hộ dân ở đây, dự án này được chủ đầu tư bán từ năm 2013.

“Dự án này thuộc diện bán nhà hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt 70 - 95% tiền mua căn hộ. Khi đã quá thời hạn giao nhà mà chủ đầu tư không có động tĩnh gì, khách hàng nhiều lần tìm tới chủ đầu tư chất vấn và được chủ đầu tư hứa hẹn sớm hoàn thành. Cuối cùng, một năm sau, chủ đầu tư mới bàn giao nhà cho người dân vào ở trong tình trạng công trình vẫn đang thi công”, anh Hoàng Văn Hải, một người dân mua căn hộ tại đây phản ánh.

Bên cạnh sự chậm trễ, thì việc mất lòng tin vào dự án bán nhà hình thành trong tương lai còn đến từ chất lượng nhà mà chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng. Vừa qua, trong khi đang mừng vì được nhận nhà đúng cam kết của chủ đầu tư, thì hàng trăm hộ dân tại Dự án Saigonres Plaza (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã phải “kêu trời” về chất lượng nhà xuống cấp nhanh sau mấy cơn mưa đầu mùa.

Chủ đầu tư dự án này phải thừa nhận, công trình sử dụng vậy liệu giá rẻ của Trung Quốc. Đây là dự án chủ đầu tư bán từ năm 2014, theo hình thức bán nhà hình thành trong tương lai…

Bốn thủ đoạn lừa khách hàng của một số doanh nghiệp bất chính

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng cái gì cũng có tính hai mặt. Bên cạnh rủi ro lớn thì bán nhà hình thành trong tương lai cũng có điểm lợi là giá rẻ, tiến độ thanh toán dài hạn, tạo ra thuận lợi cho khách hàng ít tiền có thể mua được nhà.

Để tránh rủi ro ở loại hình bán nhà này, ông Lực chỉ ra 4 thủ đoạn lừa khách mua nhà của một số doanh nghiệp hiện nay.

Thứ nhất, thay đổi tên của dự án. Đây là trường hợp những dự án “chết”, dự án dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết, nhưng thực chất là “bình mới, rượu cũ”.

Thứ hai, thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.

Thứ ba, làm lại quy hoạch 1/500, làm tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Có những trường hợp, doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500. Dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt, nhưng họ đã đem bán.

Thứ tư, tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Ví dụ, chủ đầu tư rao bán 300 triệu đồng/nền, nhưng sàn giao dịch rao bán 400 - 500 triệu đồng/nền và cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty HungThinhLand cho rằng, để giảm thiểu rủi ro đối với việc mua bán nhà hình thành trong tương lai, trước khi mua, người dân nên kiểm tra tính pháp lý, trong đó quan trọng nhất là phải làm rõ: chủ đầu tư đã có giấy phép xây dựng chưa, đã đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước chưa, có được cơ quan chức năng công nhận dự án được phép mở bán trong tương lai hay không, cam kết thế nào về chất lượng, tiến độ xây dựng trong hợp đồng mua bán.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản