Phân khúc đất nền TP.HCM: Đìu hiu vì quy định tách thửa
Gia Huy - 05/03/2019 09:11
 
Phân khúc đất nền tại TP.HCM không có dự án mới, thiếu giao dịch, ngược hẳn với không khí sôi động trong những tháng đầu năm ngoái.
.
Trong khi nhu cầu mua đất xây nhà ở của người dân rất lớn, nhưng thị trường đất nền TP.HCM vắng dự án do liên quan đến quy định tách thửa.

Thị trường vắng lặng

Ghi nhận thực tế ở những khu vực trọng điểm của phân khúc đất nền tại TP.HCM cho thấy, hiện không hề có dự án mới, giao dịch đa phần là ở những dự án đã bán từ 1 - 2 năm trước.

Cụ thể, tại khu Đông TP.HCM - nơi thường dẫn đầu thị trường bất động sản TP.HCM ở phân khúc đất nền - hiện không có dự án mới.

Tại khu Nam, điểm nhấn năm 2018 ở đây là khu dự án đất nền Long Hậu, nhưng nay không còn mở bán phân khu mới, mà chỉ có giao dịch bán lại từ những nhà đầu tư thứ cấp trước đó.

Riêng tại Cần Giờ, giao dịch vẫn xuất hiện, nhưng những giao dịch này đến từ đất nền tự phân lô nhỏ lẻ hoặc đất nông nghiệp của người dân, chứ không có dự án mới.

Đối với khu Tây TP.HCM, trọng điểm của phân khúc đất nền vẫn là hai huyện Hóc Môn và Củ Chi. Điểm đặc biệt tại khu vực này là ít xuất hiện dự án bất động sản bài bản và hiện tại không có dự án mới trong phân khu đất nền.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long cho biết, giao dịch hiện tại ở khu vực này rất ít, bởi năm 2018 chỉ có 1 dự án phân lô bán nền được mở bán và năm nay chưa có dự án nào.

“Trước đây, thị trường luôn sôi động nhờ vào các thông tin quy hoạch, cấp phép dự án mới. Nhưng năm nay, dù có thông tin quy hoạch công bố bài bản, nhưng thị trường vẫn trầm lặng”, ông Dũng nói.

Ngưng trệ vì quy định tách thửa

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, thị trường không xuất hiện dự án mới, kể cả việc doanh nghiệp nhỏ tự phân lô tách thửa để đẩy thị trường lên, phần lớn liên quan đến Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM (quy định diện tích tối thiểu được tách thửa).

UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sau 1 năm thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, phải rà soát, báo cáo lãnh đạo Thành phố về những thuận lợi, khó khăn để xem xét tháo gỡ cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc rà soát vẫn chưa được thực hiện.

Cụ thể, quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng đến nay, các hồ sơ đề nghị tách thửa đều chưa được chấp nhận vì thiếu hướng dẫn.

“Chúng tôi có 2 hồ sơ xin tách thửa ở vị trí được phép tách thửa theo đúng với Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, nhưng cán bộ thụ lý hồ sơ nói phải chờ hướng dẫn của các sở, ngành liên quan”, ông Hậu nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc một khu đất ở được tách thành nhiều thửa mà không thực hiện các hạng mục hạ tầng khác sẽ trở thành gánh nặng chung sau này cho Thành phố. Chính vì vậy, sắp tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ sơ kết đánh giá 1 năm thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND nhằm chỉ ra những điểm chưa được để sửa chữa và cấp phép cho người dân, doanh nghiệp.

Còn luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, các hướng dẫn thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND về tách thửa hiện nay thuộc nhiều đơn vị (Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn về điều kiện hạ tầng, nghiệm thu hệ thống hạ tầng; Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng; Tổng công ty Điện lực Thành phố hướng dẫn về cấp điện...), do đó, cần tập trung về một đầu mối để tạo thuận tiện hơn cho người dân và cơ quan quản lý.

Theo ông Phượng, không nên phân biệt việc tách thửa để ở hay để bán, nếu đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật và quy hoạch thì nên giải quyết.

“Trên thực tế, một số người dân sau tách thửa để chia cho con, số lô đất còn lại để bán là chính đáng. Hoặc các doanh nghiệp bất động sản tách thửa để bán cũng hợp lý. Vấn đề là giám sát quá trình thực hiện, nếu không đảm bảo hạ tầng hay hạ tầng không kết nối, thì không giải quyết”, luật sư Phượng khuyến nghị.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, có thể những hệ lụy trước đây để lại trong quá trình tách thửa theo Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM do thiếu giám sát, thậm chí buông lỏng, dẫn đến xuất hiện một số khu dân cư có hạ tầng thiếu đồng bộ và không ít cán bộ đã bị kỷ luật. Do đó, hiện có tình trạng đùn đẩy, gây khó khăn cho người dân để… né trách nhiệm.

Chính vì vậy, thị trường đất nền bị đẩy vào cảnh vắng dự án, thiếu giao dịch, trong khi nhu cầu mua đất xây nhà ở của người dân tại TP.HCM đang rất lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản