Quảng Ngãi: Định hình rõ nét trung tâm công nghiệp
Y.T - 18/11/2019 16:54
 
Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III tại KKT Dung Quất cùng với Tổ hợp lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổ hợp luyện cán thép Hòa Phát-Dung Quất... Quảng Ngãi đang định hình rõ nét là trung tâm Công nghiệp nặng của miền Trung và cả nước.

Hài hòa công nghiệp và du lịch

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong 9 tháng đầu năm 2019, Quảng Ngãi thu hút được 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 39,3 triệu USD và 99 dự án trong nước với tổng số vốn khoảng 21.431 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

Điển hình về công nghiệp, các dự án nổi bật như: Nhà máy sản xuất, gia công giày dép và khuôn giầy Hiệp Ích Việt Nam; Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất; Nhà máy sản xuất trang phục Mensa Tịnh Phong; Nhà máy sản xuất đồ nội ngoại thất Omegia Dung Quất… Đây là những dự án được cấp mới, hứa hẹn tạo nên bức tranh về công nghiệp Quảng Ngãi sôi động, đa dạng sản phẩm và mang lại sự bứt phá ngoạn mục cho ngành công nghiệp tỉnh.

Bên cạnh đó, một số dự án thuộc lĩnh vực du lịch cũng được cấp phép đầu tư vào Quảng Ngãi như: Khu nghỉ dưỡng King Bay Sa Huỳnh (1.000 tỷ); Khu du lịch Thạch Ky Điếu Tẩu (500 tỷ); Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi (11.000 tỷ đồng).

Q
Quảng Ngãi sở hữu hơn 130km đường bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp như Lý Sơn, Sa Huỳnh, Mỹ Khê… rất thuận lợi để phát triển du lịch

Có thể dễ dàng nhận thấy, với những tiềm năng, lợi thế về tự nhiên cùng với sự phát triển vượt bậc của Khu kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp VSIP, Quảng Ngãi đang trở thành bến đỗ tin cậy và đầy hứa hẹn của nhiều đại dự án của các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực sẽ tạo cơ hội thuận lợi để Quảng Ngãi đón các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ châu Âu như Bỉ, Đức, Anh… Đây là nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là trung tâm du lịch sánh ngang với các đô thị phát triển theo định hướng mục tiêu đề ra.

 “Cửa sáng” cho bất động sản

Tính đến thời điểm 20/9, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 285 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động về làm việc, sinh sống, kéo theo nhu cầu về nhà ở vô cùng lớn. Chưa kể, xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI và chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp vào Quảng Ngãi đang ngày càng gia tăng. Dự báo số lượng công nhân, chuyên gia, kỹ sư nước ngoài lưu trú dài hạn cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều mô hình phát triển nhà ở đáp ứng nguồn cầu tăng nhanh trong giai đoạn 2020 – 2030, gồm các khu dân cư, khu đô thị mới; chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ; mô hình phát triển các dự án, khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ; mô hình cho thuê nhà của hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, mô hình phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Cụ thể, tính từ năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi đã cấp phép và phê duyệt hơn 100 dự án khu dân cư, khu đô thị cho các doanh nghiệp, công ty, tổ chức (Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh). Các dự án phần lớn tập trung tại TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và được phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với định hướng quy hoạch chung.

Đến nay, hơn 40% các dự án đã hoàn chỉnh về hạ tầng, đem đến diện mạo hoàn toàn mới cho đô thị Quảng Ngãi, nổi bật có thể kể đến như Tăng Long Angkora Park, Phú Điền Residences, Sunforia City, Quảng Ngãi City Gate, Palm Village…Các dự án này không chỉ giải quyết nhu cầu về nhà ở theo hướng bền vững mà còn là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư đi trước đón đầu.

Tăng Long Angkora Park, một trong những mô hình KDC có hạ tầng hoàn thiện và đầy đủ tiện ích tại Tịnh Long, Quảng Ngãi
Tăng Long Angkora Park, một trong những mô hình khu dân cư có hạ tầng hoàn thiện và đầy đủ tiện ích tại Tịnh Long, Quảng Ngãi

Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, tỷ lệ hấp thụ các giỏ hàng đất nền, nhà ở tại Quảng Ngãi trong năm 2018 trung bình đạt 90%, trong đó hơn 50% là khách đầu tư, chủ yếu đến từ các thị trường như Đà Nẵng, Quảng Nam.

Các chuyên gia lý giải, trong bối cảnh thị trường bất động sản Đà Nẵng khan hiếm về nguồn cung mới thì “tâm điểm” đầu tư lại thuộc về một số tỉnh thành lân cận, đặc biệt là những khu vực đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ. Quảng Ngãi với vị trí chiến lược tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sở hữu hệ thống giao thông hoàn thiện đang trở thành đích ngắm của các nhà đầu tư. Với những lợi thế tương đồng, nhưng chi phí đầu tư còn khá thấp so với các tỉnh ven biển khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, các chuyên gia cho rằng, thị trường này đang sở hữu sức bật mạnh mẽ để vươn lên trở thành tâm điểm phát triển mới của miền Trung.

“Sắp tới, khi các công trình trọng điểm gồm sân bay Chu Lai mở rộng, cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định, tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 2 đi vào hoạt động sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung. Từ đây, bất động sản sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, với những cơ hội đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư tiên phong”, các chuyên gia nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản