Sốt đất đi qua, nhiều nhà đầu tư ở Quảng Bình mắc kẹt
Ngọc Tân - 13/07/2023 08:15
 
Sau khi sốt đất lên đến đỉnh điểm vào cuối quý I/2022, thị trường bất động sản Quảng Bình đã trở lại trạng thái bình thường như trước đó. Tuy vậy, sốt đất đi qua khiến nhiều nhà đầu tư không còn “bình thường” được nữa.
Giá bất động sản tại Quảng Bình đã về mức giá trước đợt “sốt nóng”, song giao dịch vẫn rất trầm lắng 	ảnh: n.t
Giá bất động sản tại Quảng Bình đã về mức giá trước đợt “sốt nóng”, song giao dịch vẫn rất trầm lắng.    Ảnh: N.T

Giảm về giá gốc cũng không bán được

Vào đầu năm 2022, trong khi phần lớn thị trường bất động sản miền Trung bước vào năm thứ 3 của chu kỳ đi xuống (bắt đầu từ quý II/2019), thì bất động sản Quảng Bình lại diễn ra cơn sốt đất chưa từng có. Sốt đất lan ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh, từ các dự án bất động sản lớn ven biển, đến các khu vực đất lẻ trong dân ở các xã, thị trấn tại các huyện, thị, thành phố.

Trước việc bất động sản rơi vào tình trạng “sốt nóng” bất thường, tỉnh Quảng Bình đã có những giải pháp nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo tạm dừng các hoạt động đấu giá đất trên địa bàn để tập trung cho việc giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm. Cùng với những diễn biến trên thị trường chung cả nước, các giải pháp quyết liệt này đã từng bước làm giảm và cắt cơn sốt đất tại Quảng Bình.

Anh Võ Ngọc L., một nhà đầu tư tại huyện Lệ Thủy chia sẻ, sau hơn 1 năm kể từ thời điểm 32 lô đất được đấu giá thành công tại Dự án quỹ đất khu vực trung tâm xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (tháng 3/2022), đã có nhiều chủ đất tại đây tìm cách rao bán “cắt lỗ” vì không “gồng được lãi”.

Theo anh L., các lô đất khi ấy có giá khởi điểm từ 480 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/lô, được đấu giá thành công lên đến mức 2,5 - 3,2 tỷ đồng. Sau khi trúng đấu giá, nhiều người nghĩ giá đất sẽ còn lên cao, nên quyết tâm “ôm lại” và cuối cùng bị mắc kẹt.

“Có nhà đầu tư ở Quảng Trị đấu trúng lô đất với giá 3,2 tỷ đồng. Sau một năm đã ra giá bán lại 1,9 tỷ đồng, nhưng cũng không có ai mua lại”, anh L. cho hay.

Tại khu vực bán đảo Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), nơi tập trung các dự án khu đô thị lớn như Bảo Ninh 1 (Regal Legend) và Bảo Ninh 2 (La Celia City), hay dự án căn hộ nghỉ dưỡng 5 sao Dolce Penisola…, tình hình giao dịch mua bán diễn ra hết sức trầm lắng.

Anh Trần Xuân T. , một nhà môi giới đất tại Đồng Hới cho biết: “Khoảng tháng 9 năm trước, lượng khách quan tâm đến các dự án bên biển Bảo Ninh khá nhiều, nhưng nay thì rất ít, thậm chí không có”.

Anh T. lý giải, giao dịch không có là do giá bán các căn biệt thự, shophouse tại đây khá cao (trên 8 tỷ đồng/căn), trong khi thị trường ảm đạm, đóng băng, ngân hàng tăng lãi suất và không giải ngân cho vay, nên nhà đầu tư không có dòng tiền để đầu tư.

Nguy cơ vỡ nợ

Với việc thị trường bất động sản “hạ nhiệt”, nhiều nhà đầu tư tại Quảng Bình đã rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, do bị “mắc kẹt” đất, không bán được.

Đáng chú ý, không ít trong số đó là những nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp có tiếng ở địa phương vốn ban đầu đã thu được nhiều lợi nhuận nhờ “sốt đất” mang lại, nhưng đến nay phải gồng gánh trả lãi, trả nợ ngân hàng, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ “vỡ nợ”.

“Ở thời điểm sốt đất, lợi nhuận cao, nhiều người bỏ việc để đi buôn đất. Bán đất có tiền, họ làm nhà, mua sắm ô tô, chơi golf… rồi lại tiếp tục vay thêm tiền để đầu tư tiếp vào đất với niềm tin sẽ lời nhiều hơn nữa. Nhưng rồi thị trường bất ngờ đi xuống, khiến nhiều người lâm cảnh nợ nần, đứng trước nguy cơ vỡ nợ, bởi ôm nhiều đất, nhưng không bán được”, anh T. chia sẻ thêm.

Mới đây, dư luận tỉnh Quảng Bình đã có một phen rúng động khi chủ một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Đồng Hới bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ hình sự vì có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, trong thời gian từ năm 2022 đến tháng 4/2023, đối tượng Trần Thị Huyền (sinh năm 1989), trú tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Land QB đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về mua bán, chuyển nhượng đất của nhiều người để thực hiện hành vi lừa đảo bán đất không có thật, đất không thuộc quyền sử dụng của mình, bán một thửa đất cho nhiều người…

Các chuyên gia cho rằng, việc “cắt sốt đất”, đưa giá đất trở lại giá trị thực sẽ mang lại lợi ích cho số đông, tạo ra tính ổn định, bền vững lâu dài cho bất động sản Quảng Bình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản