-
Nhiều chủ đầu tư bất động sản bắt đầu “làm mới” hàng cũ -
Giá nhà ở tăng cao không phải vì môi giới “bơm thổi" -
Nhà ở xã hội, nhưng giá như nhà thương mại -
Hà Nội áp dụng quy định mới về tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất từ ngày 1/11/2024 -
Doanh nghiệp địa ốc tung chính sách hỗ trợ khách hàng vay mua nhà cuối năm -
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu 7 kiến nghị phát triển thị trường bất động sản -
Cơ hội để thị trường bất động sản Huế chuyển mình
Hiệu ứng domino
Là một trong những tuyến đường chính nối phía Tây TP.HCM vào khu vực trung tâm, trục đường Lê Văn Sĩ chạy từ cầu cùng tên đến vòng xoay lăng Cha Cả thuộc địa bàn quận 3, Phú Nhuận và Tân Bình là khu vực được nhiều nhãn hàng thời trang, dịch vụ ăn uống chọn làm nơi mở cửa hàng. Tuy nhiên, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, thời điểm tưởng chừng như các hàng quán sẽ nhộn nhịp bày biện để chào đón năm mới, nhưng đi dọc con đường này, không dưới 20 mặt bằng có diện tích lớn đang đóng cửa, mặt ngoài dán chi chít các tấm bảng bán hoặc cho thuê.
Tình trạng trả mặt bằng cho thuê cũng phổ biến trên hầu hết các tuyến đường lớn ở các quận trung tâm của TP.HCM. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, hai đợt cao điểm dịch Covid-19 diễn ra trong tháng 4 và tháng 8 vừa qua đã để lại dư chấn chưa biết đến bao giờ mới hết với hoạt động kinh doanh. Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn phải giảm giờ làm, sa thải công nhân thì hoạt động bán lẻ và dịch vụ có thể cảm nhận được ngay thông qua làn sóng đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh.
Từng là những cửa hàng thời trang đông đúc khu vực Phú Mỹ Hưng, nhưng nơi đây đã khoá trái cửa từ lâu. Ảnh: Trọng Tín |
Anh Nguyễn Minh Tâm, một nhân viên môi giới bất động sản quận Bình Thạnh cho hay, chưa bao giờ việc chốt hợp đồng cho thuê mặt bằng lại diễn ra chậm chạp, khó khăn như lúc này. Quận Phú Nhuận có vị trí đắc địa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... và từng có giá thuê không hề rẻ nhưng kể từ khi diễn ra dịch Covid-19, giá nhiều mặt bằng đã hạ xuống ở mức “mềm” chưa từng thấy và “nhiều mặt bằng vốn trước đây chỉ để cho thuê, nay gia chủ khó khăn đã rao bán nhưng sức mua rất chậm”, anh cho biết.
Trong tình hình thị trường ảm đạm, sức mua giảm sút, đơn vị kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực như quần áo thời trang, túi xách, giày dép, điện thoại... buộc phải tinh gọn hệ thống để giảm chi phí mặt bằng. Chẳng hạn, mặt bằng tại địa chỉ 187B đường Hai Bà Trưng (quận 3) vốn là cửa hàng kinh doanh nhiều năm liền của thương hiệu thời trang Blook, nhưng từ đầu năm 2020 đã được dán hàng chục số điện thoại cho thuê nhưng vẫn đang ế.
Một vị trí mặt tiền đắc địa khác tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai có vị trí đẹp, gần trường học, cũng như khu vực tập trung nhiều toà cao ốc văn phòng, nhưng sau khi thương hiệu Thế Giới Di Động trả mặt bằng sau Tết Nguyên đán 2020, hiện nay vẫn chưa có người thuê.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Hà, chủ một cửa hàng thời trang nằm trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3) cho hay, mấy tháng nay, chị đã trả mặt bằng thuê cửa hàng và chuyển sang mô hình kinh doanh online. Chị cho biết, sau 6 tháng đầu năm 2020 cầm cự, đến nay hoạt động kinh doanh của cửa hàng bị thâm vốn, vắng khách mua dẫn tới phải quyết định rất đau đớn này.
“Tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ vốn lớn bao gồm tiền thuê hàng tháng và tiền cọc thế chân”, chị Hà nói và cho hay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do không có tài sản thế chấp nên gặp khó khi tiếp cận gói vay tín chấp của ngân hàng, trong khi vẫn phải trả chi phí duy trì hoạt động. Do đó, phương án trả mặt bằng chuyển sang kinh doanh online, hoặc tìm kiếm những mặt bằng vừa túi tiền hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Trên thực tế, tình trạng mặt bằng bán lẻ "khát" người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm TP.HCM, mà ngay tại nhiều quận, huyện, nhiều mặt bằng nhỏ lẻ cũng khó tìm khách thuê. Đây được xem là hiệu ứng domino khi dịch bệnh ảnh hưởng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, kéo theo sự sụt giảm của thị trường hàng hóa tiêu dùng và mặt bằng bất động sản cho thuê.
Mặt bằng cho thuê ở các trung tâm thương mại cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Ảnh: Lê Toàn |
Khảo sát trên nhiều khu phố tập trung đông người Hàn Quốc tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) cho thấy, nhiều mặt bằng đóng cửa từ đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020 đến nay, chưa kể nhiều đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, ẩm thực, dịch vụ làm đẹp, massage... cũng lần lượt gỡ bảng hiệu, trả mặt bằng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một chủ mặt bằng cho thuê tại quận 7 cho hay, sự thiếu vắng khách Hàn Quốc được xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ phải chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng. Giá cho thuê mặt bằng ở khu vực này có vị trí lên đến 5.000 USD/tháng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn vị không duy trì được hoạt động kinh doanh và đảm bảo doanh số.
Sẽ còn khó khăn
Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam cho hay, trong 9 tháng đầu năm, số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, nhưng tốc độ lấp đầy rất chậm.
“Kể cả các cung đường thương mại lớn tại quận 1, TP.HCM cũng khó cho thuê”, bà Trang nói và phân tích thêm rằng, xu hướng khách thuê giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.
Tương tự, báo cáo thị trường quý III/2020 của CBRE Việt Nam cho hay, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng. Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt Covid-19 hồi đầu năm.
Đưa ra dự báo thị trường bất động sản thương mại cuối năm 2020, bà Võ Khánh Trang thông tin, thị trường dự kiến có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê.
“Theo khảo sát của Savills vào quý III/2020, khách thuê thuộc ngành hàng dịch vụ ăn uống và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới”, bà Trang nhận định.
-
Nghệ An: Hơn 500 tỷ đồng đầu tư Khu nhà ở tại thị xã Cửa Lò -
Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị sinh thái 4.316 tỷ đồng -
Chọn nhà cho con, chọn Masteri Centre Point -
Lộ diện khu đô thị mới nơi “vùng lõi” định hình tương lai đáng sống ở Thủy Nguyên -
Hơn 2 năm phát triển, The Global City đã thay đổi diện mạo khu Đông TP.HCM như thế nào? -
Chuyên gia: Nhiều công ty khởi nghiệp mong đợi được VinVentures đồng hành -
Nghệ An: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025
- Công ty TNHH Thiết bị Dầu khí Schoeller Bleckmann Việt Nam nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á 2024
- C.P. Việt Nam tham gia hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm
- THILOGI - trợ lực lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Chứng khoán Nhất Việt nhận giải “Doanh nghiệp xuất sắc” tại Giải thưởng Doanh nghiệp châu Á 2024
- Đa dạng mô hình kinh doanh hấp dẫn tại Yên Bình New Horizon
- Bà Ngô Thu Hà được vinh danh là Doanh nhân xuất sắc châu Á 2024