Thị trường địa ốc thêm đòn bẩy tăng trưởng
Trọng Tín - 19/02/2021 10:05
 
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh địa ốc.

Đây là những chính sách tạo động lực phát triển thị trường bất động sản trong năm Tân Sửu 2021. 

.
.

Chính sách đã ngấm

Ngoài những chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi thị trường bất động sản, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội, giúp thị trường có thêm đòn bẩy để tăng trưởng.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã hoàn thiện, đồng bộ, liên thông với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Đáng chú ý, Luật Xây dựng 2020 đã thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường... về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư. Điều này không chỉ tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, công khai, minh bạch, mà còn ngăn chặn tình trạng đầu cơ “thổi giá, làm giá”.

“Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng bất động sản vẫn tăng trưởng khá, nếu tính cả đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng… thì ngành bất động sản tăng trưởng khoảng 8 - 11%”, ông Hưng thông tin.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, các luật sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2021, giúp thị trường năm nay sẽ khởi sắc.

“Bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất để từng bước đứng vững, phục hồi. Sự thay đổi về luật sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường ở phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hợp lý”, ông Châu nói.

Sẵn sàng cho sự phục hồi

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) chỉ ra 2 kịch bản về thị trường trong năm nay.

Ở kịch bản thứ nhất, quý I và quý II/2021, tâm lý “tiền mặt là vua” vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đây sẽ là giai đoạn đầy thách thức vì thị trường nhiều khả năng chưa thể gỡ được thế khó ngay lập tức do giao dịch chậm, lực cầu yếu. Phải chờ đến giữa hoặc hết quý I/2021, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, Việt Nam không còn ca bệnh nào thì thị trường sẽ biến chuyển tích cực hơn.

Còn kịch bản thứ hai, nếu đại dịch kéo dài đến tận tháng 6 mới được kiểm soát, thì khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ nhiều hơn. Cụ thể, đối với nhà ở, giá bán nhà chung cư trên thị trường sơ cấp dự kiến giảm trung bình 5% so với năm trước, tiêu thụ căn hộ cũng lao dốc. Đối với thị trường bất động sản thương mại cho thuê, dịch bệnh kéo dài sẽ khiến năng suất hoạt động thấp, khả năng lấp đầy giảm, giá thuê đi xuống. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục "ngủ đông" như thời điểm đầu năm 2020.

Song, đại diện VNRea cũng cho rằng, thị trường bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng phát triển, chỉ là đang chịu tác động từ những yếu tố khách quan bên ngoài như dịch bệnh. Nếu giải quyết tốt vấn đề bên ngoài, thị trường sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Đây vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn khác, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam bày tỏ quan điểm, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sẽ có một làn gió mới cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội - hai đầu tàu kinh tế của đất nước.

Vừa qua, mô hình “thành phố trong thành phố” tại TP.HCM chính là một đột phá ấn tượng. Còn tại Hà Nội, kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể. Đây là cơ sở để thị trường địa ốc phát triển hơn. Đáng chú ý, chính sách tài khóa, tiền tệ trong 10 năm qua là một thành công đáng ghi nhận với mức lãi suất ngân hàng hiện đang được kiểm soát tốt.

Ông Khương cho rằng, việc các chủ đầu tư tiếp tục ra mắt nhiều dự án nhà ở mới, cho thấy nhu cầu của thị trường vẫn còn lớn, nhất là khi nhiều nhà đầu tư chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn. Khó khăn đối với các nhà phát triển bất động sản hiện nay không phải là thiếu nguồn cầu, mà chính là một số quy định vẫn đang “trói” tiến độ triển khai các dự án.

“Nếu dịch bệnh kéo dài thì đối với những dự án đang triển khai vẫn có thể hoàn thiện nốt thủ tục. Với các tài sản đang tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cũng không cần phải bán đi, vì các nhà đầu tư tính toán được những thách thức hiện tại trên thị trường chỉ là nhất thời, do đó họ có thể xử lý được các vấn đề về tài chính, đồng thời giữ vững kỳ vọng vào năm 2022, 2023”, ông Sử Ngọc Khương phân tích.

Theo báo cáo mới nhất của Colliers International Việt Nam, dự kiến trong năm 2021, TP.HCM đón nguồn cung hơn 4.000 căn nhà phố. Trong đó, thị trường khu Đông Bắc sẽ nóng hơn với sự ra đời của TP. Thủ Đức. Dữ liệu của Colliers cho biết, có 6 dự án từ khu vực Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ mang đến nguồn cung cho TP.HCM trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản