Thực trạng và nguyên nhân “khát” tín dụng BĐS tại Việt Nam
N.L - 01/01/2020 07:58
 
Nhu cầu sở hữu nhà ở các thành phố lớn ở Việt Nam vẫn khá cao nên thị trường cho vay BĐS vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, mức độ hoàn thiện của thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế và chỉ dừng lại ở bước hình thành sơ khai.

Thảo luận tại chương trình Property Insight số 8 xoay quanh chủ đề phát triển thị trường cho vay BĐS ở Việt Nam, đại diện CBRE nhận định thị trường cho vay BĐS ở Việt Nam đang bị hạn chế bởi chính sách tín dụng, xác định các khoản thu nhập và tỷ lệ tiếp cận tín dụng tương đối thấp. Tuy nhiên thời gian tới thị trường này được dự báo sẽ gia tăng quy mô và hoàn thiện hơn khi các nút thắt này được cởi bỏ.

Chương trình Property Insight tập 8: “ Cho vay mua bất động sản và giải pháp tài chính cho người mua nhà
Chương trình Property Insight tập 8: “ Cho vay mua bất động sản và giải pháp tài chính cho người mua nhà"

Người có nhu cầu vay mua nhà khó tiếp cận vốn vay

Trong khuôn khổ thảo luận chương trình Property Insight số 8, các chuyên gia cho biết, chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng – con số được đánh giá là thấp nhất trong khu vực và bị các nước ngang hàng bỏ khá xa. Có hai nguyên nhân chính lý giải thực trạng này.

Nguyên nhân đầu tiên, đó là hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng. Ông Sanjay Chakrabarty, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng OCB, chia sẻ: “Các ngân hàng thường quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị (tỷ lệ LTV) từ 70 – 80%, điều này đồng nghĩa, người đi vay phải có khoản tiết kiệm ít nhất là 30% tổng giá trị vay thì mới đủ điều kiện để vay khoản còn lại và mức thu nhập trên 20 triệu đồng/ tháng để có thể chi trả lãi vay hàng tháng. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp tự kinh doanh, việc yêu cầu chứng minh được thu nhập hàng tháng là một vấn đề khó khăn”.

Ông Sanjay Chakrabarty, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khối ngân hàng Bán lẻ, ngân hàng OCB
Ông Sanjay Chakrabarty, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng OCB

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Andy Han, CEO SonKim Land, đó là hỗ trợ về chính sách của chính phủ. Lấy ví dụ từ chính phủ Hàn Quốc, ông Andy cho biết, do chính phủ Hàn Quốc có chủ trương tạo điều kiện cho người dân sở hữu ít nhất 1 căn nhà, nên chính phủ cũng làm việc với các ngân hàng để đảm bảo lãi suất mua nhà ưu đãi hơn so với các khoản vay thông thường. Khoản thanh toán lãi vay và gốc có thể được dùng để bù đắp thuế thu nhập của họ. Do đó, ở Hàn Quốc, rất nhiều người vay tiền vì họ muốn tiết kiệm các khoản thanh toán thuế. 

“Nhưng ở Việt Nam tôi không thấy loại ưu đãi này. Tôi nghĩ rằng đây là lý do tại sao mọi người chưa muốn đi vay”, ông Andy nhận định.

Ông Andy Han Suk Jung – Tổng giám đốc công ty SonKim Land
Ông Andy Han Suk Jung – Tổng giám đốc công ty SonKim Land

Còn nhiều dư địa để thị trường cho vay BĐS  phát triển

Thực tế, thị trường cho vay bất động sản ở Việt Nam trong 3-4 năm qua đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng phát triển gấp đôi trong 4 - 5 năm qua và 50% trong số đó đến từ cho vay bất động sản. Điều đó phần lớn được thúc đẩy bởi những thay đổi kinh tế đang diễn ra trong nước.  

Những thay đổi trên đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam, nhiều người đang dịch chuyển vào các thành phố lớn để sinh sống. Điều này kéo theo nhu cầu lớn cho thị trường căn hộ. Cho nên cần có những giải pháp để giúp tín dụng được phát triển mạnh hơn. 

Để phát triển được thị trường cho tín dụng bất động sản, ông Sanjay cho rằng: “Trước tiên, cần xem xét các giải pháp giúp hạ lãi suất cho vay bất động sản, chẳng hạn như bảo hiểm thế chấp. Hoặc đẩy mạnh các hỗ trợ của chính phủ để giảm lãi suất, mở rộng thị trường thế chấp cho một phân khúc dân số lớn hơn. Thêm vào đó, cần có giải pháp quản lý rủi ro tín dụng để có thể gia tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị mà vẫn quản lý được rủi ro”.  

Ông Sanjay cũng nhìn nhận, việc vay mua nhà thế chấp bằng chính tài sản vay là một giải pháp có rủi ro thấp nhất trên thị trường hiện nay. Nên để tăng được tỷ lệ cho vay, vấn đề còn lại là kết nối các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà môi giới, ngân hàng sao cho cơ hội tiếp cận tín dụng của người mua nhà được mở rộng hơn.  

Đề xuất thêm giải pháp tiếp cận tín dụng, ông Andy cho rằng:  “Để thúc đẩy thị trường cho vay mua nhà ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới, việc cần thiết nhất là phối hợp tốt ở các bước thẩm định, định giá tài sản để việc phê duyệt và đánh gía diễn ra nhanh chóng. Điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tính minh bạch của thị trường thông qua đánh giá đúng tình hình tài chính của khách hàng và cũng như độ tin cậy của dự án thông qua uy tín của chủ đầu tư ”.


Chương trình “Tầm nhìn Thị trường - Property Insight kỳ 8” với chủ đề phát triển thị trường cho vay bất động sản Việt Nam đã thu hút được sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về phát triển dự án, quản lý vận hành và ngân hàng . Qua đó nhìn lại thực trạng thách thức và cơ hội phát triển của thị trường này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản