TP.HCM giữ nguyên khung giá đất giai đoạn 2020 – 2024
Gia Huy - 27/12/2019 08:25
 
Việc giữ nguyên khung giá đất tại TP.HCM với mức tối đa 162 triệu đồng/m2 được đánh giá là động thái tích cực, giúp không xảy ra tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, người dân và doanh nghiệp.
.
.

Không lựa chọn phương án tăng giá đất

Theo quy định của Luật Đất đai (2013), định kỳ 5 năm một lần, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và công khai bảng giá đất các loại vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Bảng giá này được xác định làm căn cứ tính thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất…

Đầu tháng 12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND TP.HCM 2 phương án cho bảng giá đất mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Phương án thứ nhất với giá đất ở mức cao nhất tăng hơn 2 lần so với hiện nay (khoảng 330 triệu đồng/m2) và phương án thứ hai là không tăng giá đất.

Lý giải cơ sở cho đề xuất này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, nếu giá đất là 330 triệu đồng/m2 ở các tuyến đường đắc địa nhất TP.HCM, thì cũng chỉ bằng khoảng 41% giá thị trường hiện tại. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Vạn Phúc Land, nếu tăng giá đất theo mức đề xuất trên, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn. “Giá đất tăng sẽ đẩy giá nhà tăng cao, trong khi đó, mức thu nhập của phần lớn người dân TP.HCM đang ở mức trung bình, không nhiều người có khả năng mua nhà giá cao”, bà Hương nói.

Ý kiến này của bà Hương cũng là mối lo chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc và người dân TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding phân tích, lý do nhiều địa phương đưa ra khung giá đất mới cao hơn là nhằm tránh thất thu thuế, bởi các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai của người dân với Nhà nước đều lấy cơ sở là bảng giá đất. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện có một số ý kiến cho rằng, việc tăng khung giá đất sẽ giúp cho cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng ý kiến này chưa chính xác. Lý do là, việc tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo 5 phương pháp định giá đất cụ thể, quy định tại Luật Đất đai và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong trường hợp giải phóng mặt bằng.

Trước đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM đã chọn phương án giữ nguyên bảng giá đất hiện hành, có bổ sung giá đất của một số tuyến đường mới. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc giữ nguyên mức giá đất hiện tại của TP.HCM được lãnh đạo Thành phố lựa chọn dựa trên khảo sát với người dân và doanh nghiệp ngành địa ốc. UBND TP.HCM dự kiến sẽ trình HĐND Thành phố xem xét chấp thuận giữ nguyên bảng giá đất vào kỳ họp bất thường cuối tháng 12 này.

Doanh nghiệp thoát mối lo

Ngày 19/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Khung giá này được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.

Nghị định cũng yêu cầu, UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

Theo đó, TP.HCM cùng các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ có khung giá đất đối với các đô thị đặc biệt tối đa là 162 triệu đồng/m2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, việc giữ nguyên khung giá đất của TP.HCM sẽ giúp không xảy ra tác động lớn tới doanh nghiệp và người dân. Nếu khung giá đất tăng, kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Khi đó, sẽ dễ dẫn đến tình trạng, một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay, vừa thất thu thuế, khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp.

Theo ông Châu, tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, 30% giá thành nhà phố và 50% giá thành biệt thự. Giá đất cũng là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán nhà ở. Nếu giá đất tăng, tất yếu sẽ đẩy giá nhà tăng, khiến những người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó có cơ hội sở hữu nhà. Ngoài ra, khung giá đất quá cao sẽ tác động đến doanh nghiệp, các ngành kinh tế và môi trường đầu tư, kể cả việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Việc giữ nguyên khung giá đất sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người dân, dù có ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai. Tuy nhiên, người dân sẽ tăng chi tiêu dùng hoặc kinh doanh khi đời sống ổn định; doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Lợi ích chung là quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách”, ông Châu nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản