Tranh chấp mua nhà: Được kiện vẫn trắng tay
- 19/11/2013 10:50
 
TIN LIÊN QUAN
Tranh chấp mua nhà: Được kiện vẫn trắng tay!
Cơn sốt của thị trường bất động sản đi qua, giờ là lúc giải quyết các
hậu quả mà nó để lại. (Ảnh: Quang Hà)

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những xung đột trên thị trường bất động sản thời gian qua là việc nhà đầu tư bất động sản, khách hàng không tuân thủ các quy định cần thiết mà hành lang pháp luật đã thiết lập cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh này (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Nghị định 71/2010/NĐ – CP…).

Theo Gs.TsKh Đặng Hùng Võ, mối lợi quá lớn, lớn đến mức phi lý khiến nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản và khách mua nhà, góp vốn vào bất động sản bất chấp các quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường này trước đây. Chính điều này dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bất động sản hiện nay, ngay cả khi các bên đưa nhau ra tòa!

Các kiểu tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột phổ biến được ông Đặng Hùng Võ khái quát gồm: mâu thuẫn trong cách tính diện tích căn hộ (dự án Lê Văn Lương Residential, chung cư Đại Thanh); sở hữu chung – riêng (chung cư Hà Thành); phí dịch vụ, sổ đỏ (chung cư The Manor); chiếm dụng vốn của khách hàng, bán nhà khi dự án chưa đủ thủ tục pháp lý (chung cư B5 Cầu Diễn, 409 Lĩnh Nam); chậm tiến độ (Usilk City)…

Điều khiến giới đầu tư bất động sản và khách mua nhà đau đầu nhất hiện nay là tại nhiều dự án, các bên liên quan, tranh chấp đã đưa nhau ra tòa nhưng rút cuộc, vụ việc không đi đến đâu vì khoản vốn của khách hàng bị chủ đầu tư chiếm dụng hết, người mua nhà vẫn “trắng tay”; trong khi các bên liên quan lại phải tốn thêm một khoản tiền… án phí không nhỏ!

Để giảm thiểu những rủi ro, xung đột trong lĩnh vực này, theo Gs Đặng Hùng Võ, giải pháp lâu dài, căn cơ là các bên liên quan cần nâng cao nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; giải pháp trước mắt là việc hòa giải của các bên liên quan thông qua một bên trung gian là trung tâm trọng tài trước khi đưa vụ việc đến phán quyết cuối cùng của tòa án; tránh đi những căng thẳng và thiệt hại không đáng có giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Theo Luật sư Nguyễn Trúc Hiền (Công ty Luật Vilaf – Hồng Đức), trong nhiều dự án bất động sản, khoản vốn tự có của chủ đầu tư chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư của dự án, trong khi khoản tiền huy động từ khách hàng, tiền vay, tiền ứng trước từ việc bán sản phẩm hình thành trong tương lai… lại rất lớn. Khi tranh chấp xảy ra, thiệt hại xảy ra cho tất cả các bên, mức độ phụ thuộc vào khoản vốn góp vào dự án. Trong trường hợp này, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.

Câu chuyện đặt ra trong trường hợp này, theo Luật sư Hiền, tốt nhất là các bên liên quan cùng ngồi lại với nhau để thống nhất phương án giải quyết, với sự trợ giúp pháp lý của một trọng tài viên hoặc trung tâm trọng tài.

“Tranh chấp bất động sản luôn có khả năng xảy ra rất cao vì giá trị lớn, khả năng sinh lợi cao, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp từ nhiều phía, quá trình xảy ra phức tạp. Để giải quyết tốt các tranh chấp trên cơ sở pháp lý rõ ràng, thông tin minh bạch là một yêu cầu đặt ra. Cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và trọng tài cần được sử dụng nhiều hơn trước khi tới tòa án”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản