Văn phòng cho thuê Hà Nội chững lại "ngóng" TPP
Hữu Tuấn - 09/10/2015 09:23
 
Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn chững lại khi cung gần như đứng yên trong khi giá thuê tiếp tục giảm nhẹ.

Văn phòng cho thuê sẽ cạnh tranh mạnh

Theo Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2015 vừa được Savills Việt Nam công bố, trong quý 3/2015, tổng diện tích cho thuê của thị trường văn  phòng cho thuê đạt khoảng 1.494.000 m2, tăng 0,2% theo quý nhưng giảm -0,4% theo năm.

Giá thuê văn phòng trung bình tại Hà Nội chỉ đạt 395.000 đồng /m2/tháng, giảm -0,6% theo quý và -0,3% theo năm. Giá thuê trung bình của tất cả các hạng đều giảm trong quý này. Giá hạng A giảm -0,9% theo quý trong khi giá của hạng B và hạng C lần lượt giảm -0,2% và -0,3% theo quý.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động Lotte Center Hà Nội vẫn còn hơn 50% diện tích văn phòng trống.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động Lotte Center Hà Nội vẫn còn hơn 50% diện tích văn phòng trống.

 

Công suất thuê trung bình đạt 84%, tăng 3 điểm % theo quý và 11 điểm % theo năm. Công suất thuê của hạng A tăng 5 điểm %, của hạng B tăng 3 điểm % theo quý. Trong khi đó, công suất thuê của hạng C ổn định theo quý.

Đến cuối năm 2015, 6 dự án được kỳ vọng sẽ gia nhập thị trường và cung cấp khoảng 130.000 m2. Trong năm 2016, 17 dự án mới sẽ đi vào hoạt động với khoảng 290.000 m2 sàn văn phòng. Đến cuối năm 2017, thị trường sẽ có thêm 670.000 m2 sàn từ 35 dự án mới, tăng 45% so với nguồn cung hiện tại.

Với việc đứng giá, nguồn cung tiếp tục gia tăng trong tương lai gần sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp khi đàm phán giá với chủ đầu tư. Đồng thời, tình hình thị trường sẽ buộc các chủ đầu tư phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.

TPP sẽ giúp thị trường văn phòng cho thuê?

Theo nhận định của ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam, sau khi TPP được ký kết sẽ thắp lên hy vọng cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, KCN bởi đây là hệ quả của việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

"Như chúng ta thấy để tận dụng thuế xuất đặc biệt ưu đãi và lao động giá rẻ ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp Nhật, Mỹ đã lên kế hoạch về chuyện chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam rồi xuất về Nhật Bản, xuất đi Mỹ... Các ngành được chuyển dịch nhiều nhất phải kể đến dệt may, sản xuất điện thoại, sản xuất ô tô....Việc dịch chuyển dòng vốn sẽ đẩy nhu cầu bất động sản thương mại tăng lên, hệ thống dịch vụ phục vụ như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các loại dịch vụ khác sẽ phát triển theo", ông Đăng nhận xét.

Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá của hãng tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định rằng hiệp định TPP vừa ký kết này sẽ có những tác động tích cực đến Việt Nam. Theo đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về bất động sản thương mại sẽ tiếp tục gia tăng. Ví dụ như nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các Tập đoàn  tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang LaSale Việt Nam cũng  đánh giá TPP sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong tương lai, với lợi thế năng suất lao động cao và chi phí nhân công thấp. Điều này đồng nghĩa ngày càng nhiều các công ty và doanh nghiệp mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều khả năng đến từ các công ty và doanh nghiệp đang có mặt tại thị trường Trung Quốc.

Theo ông Stephen Wyatt, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi viễn cảnh này được hiện thực hóa, đặc biệt ở các phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và kho vận. Ngoài ra, nhu cầu ở những phân khúc: văn phòng cho thuê, nhà ở và mặt bằng bán lẻ cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Nguồn cầu đến từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước thành lập mới, số lượng nhân công mới và sức mua gia tăng trên diện rộng.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, TPP sẽ không tác động nhanh chóng vào thị trường bất động sản Việt Nam trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, một số phân khúc bất động sản: hậu cần (nhà xưởng, kho bãi), văn phòng, mặt bằng bán lẻ và căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ đón nhận nhiều chuyển biến khả quan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản