Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bầu Kiên, mùi tiền và báo chí
Nguyễn Như Phong - 17/06/2014 15:42
 
 Chúng tôi đã lại nghe những thông tin rằng, trong vụ án “bầu” Kiên đang xét xử có tin đồn rằng gia đình và đệ tử “bầu” Kiên ở ngoài đã bỏ tiền ra mua một số nhà báo để họ chỉ viết những điều có lợi cho bầu Kiên.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bầu Kiên bị tuyên phạt 30 năm tù
Viện kiểm sát vạch rõ "ma trận" kinh doanh, tạo nên "đường vòng tội lỗi" của bầu Kiên
Những scandal "để đời" của ông Lê Phước Vũ
Trịnh Công Sơn vắng cõi trần 13 năm: Báo chí thế giới từng viết gì?
Những "tin vịt" sốc nhất trong ngày 1/4 từng được tin sái cổ
Ngăn cản phóng viên tác nghiệp ở tòa: Thông tư cao hơn Luật?!
Sẽ tạm dừng cấp phép thành lập cơ quan báo chí
Nhà sản xuất xin lỗi khán giả vì màn khỏa thân trên truyền hình

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, tôi đi ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa. Chuyến đi này có hơn 20 nhà báo trong nước và nước ngoài.

Những ngày ở tọa độ nóng này, được chứng kiến cảnh làm việc quên mình của các phóng viên báo chí, tôi thực sự xúc động. Anh em không nề hà khó khăn, gian khổ từ nơi ăn chốn nghỉ, chịu đựng say sóng và không quản thời gian, luôn luôn bám chặt các sự kiện diễn biến trên biển, rồi tranh thủ từng giờ từng phút để viết bài, gửi về tòa soạn.

Có những phóng viên cả tuần không được tắm vì tàu hết nước, nhưng không nửa lời kêu ca.

Có phóng viên ăn lương khô hai ngày liền nhưng không xin chuyển sang tàu to để có điều kiện sinh hoạt tốt hơn…

Có phóng viên “chạy vạy” các cửa để xin được ở lại và chuyển từ tàu lớn sang tàu nhỏ, bởi vì tàu nhỏ dễ luôn lách, đi vào gần giàn khoan hơn…

Các phóng viên cũng giúp đỡ nhau rất nhiệt tình.

Có cảm giác rằng tại đây, không có chỗ đứng cho những phóng viên non kém về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, hoặc có những tư tưởng cạnh tranh thông tin. Họ chia sẻ cho nhau từng bức ảnh có giá trị, cho nhau mượn điện thoại vệ tinh để đọc bài về tòa soạn mà chẳng ai nghĩ đến mỗi phút gọi điện thoại như thế là hết ngót nghét 40 ngàn đồng; rồi cho nhau mượn ống kính máy ảnh, thậm chí cả máy ảnh, mặc dù trước đó đã lớn tiếng “tuyên bố”: “Cho mượn vợ thì còn có thể được, chứ mượn máy ảnh là không được”.

Có những nhóm phóng viên còn cùng góp tiền để tặng cho anh em cảnh sát biển…

Đó là những hình ảnh đẹp của đội ngũ phóng viên báo chí Việt Nam. Và quả thực, những ngày này, trong tôi chỉ toàn những suy nghĩ tốt đẹp về đội ngũ phóng viên Việt Nam.

Nhưng khi về đất liền, chúng tôi đã lại nghe những thông tin rằng, trong vụ án “bầu” Kiên đang xét xử có tin đồn rằng gia đình và đệ tử “bầu” Kiên ở ngoài đã bỏ tiền ra mua một số nhà báo để họ chỉ viết những điều có lợi cho bầu Kiên.

Người ta nói rằng, số tiền không phải là nhỏ…

Thôi thì chuyện đồn đại cũng chẳng nên quan tâm làm gì, bởi lẽ xã hội ta bây giờ đã có quá nhiều loại tin đồn thất thiệt. Nhưng đọc những bài báo viết về phiên tòa xét xử bầu Kiên mới thấy rằng “hình như” tin đồn một số phóng viên báo chí bị “mua” là cũng có cơ sở, và không ít bài sặc “mùi” tiền.

Không ít bài báo đã tô vẽ “bầu” Kiên như một người hùng trước phiên tòa, rồi thay vì phân tích nguyên nhân và những hành vi phạm pháp luật của “bầu” Kiên, nhiều tờ báo lại tập trung chỉ trích ngành ngân hàng và hội đồng xét xử.

Hình như họ quên mất một điều rằng, nếu như không phát hiện ra những việc làm vi phạm pháp luật của “bầu” Kiên và không xử lý nghiêm minh thì có lẽ cả ngành ngân hàng đã sụp đổ và hậu quả chắc chắn là khôn lường.

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 10/6/2014, các lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghiêm khắc phê bình những bài báo đã gây ra sự hiểu không đúng cho người dân đối với vụ án “bầu” Kiên và cũng thẳng thắn phát biểu rằng có dư luận cho rằng gia đình và đệ tử “bầu” Kiên dùng tiền mua nhà báo, đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc.

Ngẫm mà thấy buồn cho báo giới, nhất là trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

  Bầu Kiên, tiền, báo chí, ngày báo chí  
  Hình ảnh ở phiên tòa xét xử "bầu" Kiên. (Ảnh: internet)  

 

 

Chuyện báo chí ta bấy lâu nay viết “đâm thuê chém mướn”, “thọc gậy bánh xe”, “gắp lửa bỏ tay người”… là không hiếm. Đó là chưa kể việc báo chí xâm phạm đời tư công dân một cách quá quắt. Luật báo chí thì cũng nói là “không được xâm phạm đời tư công dân”, nhưng đời tư gồm những gì? Cái gì không được làm… thì tất cả đều mơ hồ.

Ai cũng hiểu rằng báo chí đang dần trở thành cơ quan quyền lực thứ tư. Mặc dù chúng ta vẫn nói rằng báo chí được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng thực tế thì không phải lúc nào, cơ quan báo chí nào cũng tuân thủ theo các quy định của pháp luật và định hướng tuyên truyền của Đảng.

Không ít phóng viên báo chí mắc vòng lao lý trong những năm gần đây đã cho thấy một thực trạng là ngày càng có nhiều cơ quan báo chí, phóng viên và cả lãnh đạo các tờ báo đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi cá nhân.

Nào là lợi dụng danh nghĩa tờ báo để bóp nặn doanh nghiệp phải quảng cáo.

Nào là tổ chức “đánh hội đồng”, rồi thậm chí có những lãnh đạo tờ báo còn sai phóng viên đi điều tra doanh nghiệp tiêu cực, nhưng rồi lại ngấm ngầm bắt tay với doanh nghiệp để ăn tiền.

Không ít tờ báo do doanh số sụt giảm, cơ quan chủ quản thì “hữu sinh vô dưỡng” nên buộc phải khoán cho phóng viên tìm kiếm quảng cáo… Nhẹ nhàng, tử tế thì xin viết bài PR. Hung hăng thì gọi điện “có quảng cáo không thì bảo”; hoặc “muốn chúng tôi gỡ bài thì… phải có gì chứ?”. Rồi lợi dụng những tiêu cực của doanh nghiệp đến đe dọa viết bài…

Chả thế mà người ta nói báo chí bây giờ “đánh cũng có tiền; bênh cũng có tiền và im lặng cũng có tiền…” là như vậy.

Tất cả những hiện tượng đó đã làm hoen ố hình ảnh những nhà báo chân chính, đồng thời tạo ra một bức tranh báo chí Việt Nam không có gì sáng sủa.

Hình như chưa có nghiên cứu cụ thể nào về thực trạng các cơ quan báo chí hiện nay, là bao nhiêu tờ báo đã phải giảm số trang, giảm kỳ phát hành, giảm số lượng phát hành, rồi tờ báo nào nợ lương cán bộ, công nhân viên, tờ báo nào nợ nhuận bút phóng viên, cộng tác viên, và báo nào nợ tiền nhà in.

Một thực tế dễ thấy nhất là khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi thì lấy đâu ra tiền chi cho quảng cáo. Vậy nên “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”. Báo chí “đói” cũng là từ đây.

Đói thì đầu gối phải bò và các phóng viên đã phải “bò” bằng nhiều kiểu. Một trong những hình thức phổ biến nhất là nhận tiền để bẻ cong ngòi bút.

Như vụ “bầu” Kiên có thể cảm thấy rất rõ.

Chuyện phóng viên nhận tiền, viết sai sự thật hoặc viết theo đơn đặt hàng chẳng thể nào qua mắt được các Tổng biên tập. Bởi vì chỉ cần đọc bài báo là các Tổng biên tập sẽ biết ngay rằng bài ấy có “mùi” tiền hay không.

Tuy nhiên, không phải Tổng biên tập nào cũng đủ dũng cảm để ném những bài nặng “mùi” tiền ấy vào sọt rác. Bởi thông thường, khi viết những loại bài này sẽ phải có những thỏa hiệp tay ba: Tổng biên tập - Doanh nghiệp (hoặc người thuê viết) và phóng viên. Chắc chắn sẽ không có bài báo nào nặng “mùi” tiền mà có thể xuất bản được nếu như tòa soạn ấy có một ông Tổng biên tập tử tế, có đội ngũ biên tập chắc tay và trong sạch.

Gần đây, có một tình trạng là khi báo chí viết sai hoặc tờ báo đăng những bài nặng “mùi” tiền thì lãnh đạo tờ báo chối phắt trách nhiệm của mình, rồi đổ cho cấp phó hoặc “đi công tác nên không kiểm soát được”.

Thông thường, cứ đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta thường hay nói về báo chí với những điều tốt đẹp.

Vâng! Đúng là bên cạnh những điều tốt đẹp thì báo chí chúng ta cũng đang có rất nhiều con sâu, mà chính những con sâu này đã làm cho hình ảnh các nhà báo ngày càng trở nên thiếu thiện cảm trong con mắt công chúng và đặc biệt là với các doanh nghiệp. Một số phóng viên báo chí và một số tờ báo nặng về viết đâm, chém, cướp, giết, hiếp, vẽ ra một hình ảnh đất nước Việt Nam rất không đẹp.

Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm quản lý và định hướng tuyên truyền cho báo chí không thể lấy lý do vì “thương” tờ báo nọ, tờ báo kia đói, “thương” anh em phóng viên thu nhập kém mà cho ra đủ loại phụ san, phụ trương - mà những tờ phụ này hầu hết là đậm chất lá cải. Thậm chí có những anh em làm báo còn nói thẳng rằng bây giờ nếu là lá cải sạch thì cũng không có ai đọc, phải là “lá cải có sâu”.

Thế là báo chí đã lại một lần nữa tiếp tay, làm xuống cấp văn hóa đọc của người dân.

Còn với những kiểu phóng viên viết bài chỉ vì tiền và vì đồng tiền sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, sẵn sàng viết đâm thuê chém mướn thì cũng cần phải có cách xử lý nghiêm khắc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư