Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bệ đỡ để nhân tài tỏa sáng
Dương Ngân - 01/05/2023 09:03
 
Trọng dụng, sử dụng nhân tài chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nếu không được làm tốt, tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ trở thành vấn nạn.
Tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí và đúng năng lực

Tạo môi trường phù hợp

PGS-TS. Nguyễn Quốc Bảo, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, “chảy máu chất xám” là hệ quả của tài năng không được trọng dụng, phát huy, hoặc không sử dụng tương thích với khả năng đã được đào tạo, hoặc không sử dụng. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy máu, lãng phí chất xám. PGS-TS. Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, trước hết do việc thực hiện cơ chế tuyển dụng nhân tài trong nhiều cơ quan, địa phương còn chưa khoa học, thậm chí bất cập. Vì vậy không có tác dụng lựa chọn người tài đích thực, trái lại còn làm cho một bộ phận nhân tài chán nản, hoài nghi.

Điều này vừa gây thiệt thòi cho đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, vừa làm thui chột tài năng trong xã hội. Ngoài ra, việc phân công, sử dụng nhân tài ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa hợp lý. Cùng với đó là chính sách và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

“Chảy máu chất xám” xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, cho thấy việc thu hút, sử dụng nhân tài là vấn đề khó. Chưa kể, rất nhiều các chuyên gia, giảng viên, những người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trên thế giới khi ra trường đã không về nước hoặc có trở về, nhưng ngại làm việc trong cơ quan nhà nước. 

Cần làm để ngăn “chảy máu chất xám”?

Theo GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, muốn vỗ tay cần phải có hai bàn tay. Bàn tay thứ nhất đó chính là Nhà nước cần có hệ thống chính sách cân bằng được nhiều mặt. Cụ thể, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, cải thiện hệ thống đãi ngộ (cả vật chất lẫn tinh thần), đồng thời với một hệ thống kiểm soát hiệu quả công tác thật sự hữu hiệu, chính xác.

Bàn tay thứ hai, theo chuyên gia, đó chính là ý chí, nỗ lực bản thân người tài.

Quản lý con người đã khó, sử dụng nhân tài còn khó hơn. Chúng ta cũng không thể lượng hóa bằng tiền, vì những gì nhân tài đóng góp thực sự không mua được bằng tiền, mà nhiều khi đó là bộ mặt quốc gia, danh dự dân tộc. Vì vậy, thu hút và trọng dụng nhân tài là việc cần thiết, song phải có cách thức sử dụng nhân tài hợp lý. Có như vậy mới bền vững và thịnh vượng.

Được biết, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo này là thống nhất đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài.

Cụ thể là việc tìm kiếm, thu hút nhân tài không phân biệt vùng miền, quê quán, độ tuổi, người trong Đảng hay ngoài Đảng, người trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.

Để nâng hiệu quả công tác này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu thực tế thời gian qua có rất nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn song hiệu quả chưa cao, số nhân tài thu hút được còn rất thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân có phải do chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn? Ông Dĩnh cho rằng, thực tế có nhiều cơ quan đơn vị áp dụng chế độ đãi ngộ, thu nhập cao cho nhân tài song việc sử dụng lại chưa đúng vị trí và năng lực chuyên môn.

“Cái gốc của thu hút nhân tài chính là sự tin tưởng, tôn trọng, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí và đúng năng lực”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, trong quan điểm của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần nêu bật yêu cầu đầu tiên là đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài.

Bởi trên thực tiễn có nhiều phát minh, sản phẩm mang lại giá trị cao xuất phát từ những người không có học hàm, học vị. Đó là những nhà phát minh nông dân, do đó khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp, học hàm, học vị và chỉ khu biệt trong một nhóm đối tượng nhất định.

Kết quả thống kê từ 3 bộ và 21 tỉnh, thành phố cho thấy, có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, có 2.903 người vẫn đang công tác, (chiếm 92,8%); 225 người đã nghỉ việc, (chiếm 7,2%).

Trong đó, TP. Đà Nẵng là nơi thu hút nhiều nhất với 1.269 người, hiện đã nghỉ việc 102 người. Tiếp đến là tỉnh Quảng Ngãi thu hút được 346 người, đã nghỉ 41 người. Hà Nội cũng là một trong 3 địa phương thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng 173 người, đến nay đã nghỉ 2 người.

Nguồn Bộ Nội vụ
Doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài
Thách thức lớn nhất về nguồn nhân lực mà doanh nghiệp Đà Nẵng đối mặt là việc thiếu hụt nhân tài và giữ chân nhân tài.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư