Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bệnh tật gia tăng khi thời tiết lạnh sâu
Dương Ngân - 08/12/2022 10:08
 
Những bệnh nguy hiểm như đột quỵ, viêm phổi, hen suyễn… sẽ gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Giữ ấm cơ thể và sinh hoạt khoa học là biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Thời tiết chuyển rét khiến số ca nhập viện do đột quỵ và liên quan đến hô hấp gia tăng
Thời tiết chuyển rét khiến số ca nhập viện do đột quỵ và liên quan đến hô hấp gia tăng

Nguy cơ mắc bệnh

Theo các chuyên gia y tế, khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm, còn người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não kém hơn bình thường, có thể dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho hay, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.

Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt) gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa thông tin, trong đợt rét này, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp, hầu hết đều do mở cửa đi ra ngoài buổi sáng sớm khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng 15 - 20% vào mùa đông; khoảng 60 - 70% bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm và sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.

Được biết, cơ chế gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do tiếp xúc với nguồn lạnh đột ngột. Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại, gây ra tổn thương. Chỉ cần vài giây tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh.

ThS. Lê Thị Hồng Nhung, Phó trưởng khoa Nội hô hấp, Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, hàng năm, mỗi khi thời tiết trở lạnh, số lượng bệnh nhân viêm phổi nhập viện lại tăng. Những bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, hen phế quản, tai biến mạch máu não... rất dễ bị viêm phổi, bởi đây là nhóm người có sức đề kháng kém.

Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Medlatec, vào mùa lạnh, rất dễ mắc các bệnh như cúm A, cúm B, hoặc cúm A/H1N1 dù hiếm gặp. Bên cạnh đó, bệnh do các chủng virus khác như sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết... cũng thường xuất hiện và diễn biến phức tạp trong mùa đông - xuân những năm gần đây. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai và những đối tượng có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Triệu chứng của các bệnh gây nên bởi virus thường khá giống nhau, như ho, sốt, hắt hơi, đau họng, đau cơ, mệt mỏi..., nên rất khó phân biệt. Nguy hiểm hơn, những triệu chứng này cũng khá giống với bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành thời gian gần đây. Vì vậy, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm sớm và chủ động cách ly trước khi có kết luận và giải pháp điều trị bệnh.

Tránh nhập viện khi đã muộn

Vừa qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương ghi nhận không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dân gian, đồn thổi không có căn cứ khoa học, nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với bệnh đột qụy, theo thông tin từ PGS-TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn.

Không chỉ vậy, có người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, khi đến cấp cứu thường trong tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí có trường hợp đã ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Do đó, khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng 4 - 5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.

Với người bị đột quỵ não, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân. Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4 - 5 giờ, bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch, người trẻ nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não, vì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế hàng đầu không phân biệt lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay.

Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý, mọi người cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục, có thể tập trong nhà.

Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư