Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Bệnh viện đã hết “khát thuốc”?
Dương Ngân - 20/12/2022 16:13
 
Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài trong suốt năm 2022, đến nay dù đã được cải thiện phần nào, nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Để tình trạng “khát thuốc” không còn tiếp diễn, ngành y tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Một số loại vật tư y tế đã không còn quá khan hiếm, nhưng vẫn phải có giải pháp để không bị đứt nguồn cung ứng
Một số loại vật tư y tế đã không còn quá khan hiếm, nhưng vẫn phải có giải pháp để không bị đứt nguồn cung ứng.

“Muối bỏ biển”

Lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc điều trị đã dần được khắc phục. Bệnh nhân đi khám bệnh đã được nhận thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế; các thuốc đặc trị, biệt dược không còn quá khan hiếm, nhưng cũng không dồi dào.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, Thành phố đã tạm qua cơn thiếu thuốc. Chẳng hạn, sản phẩm dung dịch cao phân tử Dextran 40 điều trị sốt xuất huyết trước đây có thời điểm bị  gián đoạn nguồn cung, nhưng khoảng 3 tuần gần đây đã có hàng.

Tuy nhiên, tại Huế, theo GS-TS. Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế, vẫn còn tình trạng thiếu một số loại biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Còn ở Nghệ An, thông tin từ ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, địa phương đang sử dụng thuốc đấu thầu năm 2021 - 2022, nên về cơ bản đáp ứng đủ. Ngành y tế cũng đã có những chỉ đạo kịp thời phục vụ thuốc cho người bệnh, nhất là trường hợp cấp cứu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ xảy ra cục bộ.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Trong đó, bãi bỏ quy định: “Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể” (được quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT).

Quy định nói trên tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT khiến bệnh viện muốn mua thiết bị y tế buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, trong điều kiện tỷ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế.

“Tình trạng thiếu vật tư y tế do nhiều nguyên nhân khách quan. Khó khăn nhất trong năm 2023 sẽ là vấn đề đấu thầu vật tư, hoá chất. Ngành y tế khó chủ động, nhất là trong thẩm định giá, vì nhiều doanh nghiệp từ chối tham gia đấu thầu”, ông Chỉnh chia sẻ.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện có những bệnh viện tuyến trung ương phải báo ngưng một số dịch vụ vì không đủ thuốc và vật tư y tế, có bệnh nhân phải nhờ bệnh viện khác hỗ trợ. Điều đáng nói là, từ nay đến thời điểm gói thầu mới hết hiệu lực chỉ còn một năm nữa, công tác đấu thầu lại bắt đầu và vòng luẩn quẩn lại tái diễn.

Phản ánh từ doanh nghiệp và cơ sở y tế cho thấy, hàng loạt số đăng ký thuốc hết hiệu lực đã xảy ra từ đầu năm nay. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, cần trung bình từ 3 đến 6 tháng để chuẩn bị cung ứng thuốc (sản xuất, nhập khẩu). Do đó, tình trạng số đăng ký lưu hành thuốc tại thị trường Việt Nam hết hiệu lực có thể gây đứt gãy cung ứng hoặc làm dịch chuyển luồng phân bổ các loại thuốc này sang các thị trường khác ngoài Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, có hơn 9.000 giấy đăng ký thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Năm 2023, thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực. Điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 rất lớn, gây nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý.

Bộ Y tế cũng nhận định, nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký thuốc vẫn chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế do số lượng tồn đọng quá nhiều.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện mỗi tháng cơ quan này chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn, nhưng năm 2023 có gần 14.000 hồ sơ cần gia hạn. Vì vậy, cần phải có chính sách nhằm tạo ra sự ổn định và tính dự báo trong công tác cung ứng thuốc tại nước ta.

Chỉ nỗ lực là chưa đủ

Về nguồn cung thuốc, báo cáo mới đây của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, trong số 67 mặt hàng trúng thầu, mới có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện; 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng các mặt hàng này và đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục, khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.

“Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên”, ông Dũng nói.

Nhằm tăng nguồn cung ứng thuốc, ngày 1/12 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong tháng 12/2022.

“Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023 thì được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến ngày Luật Dược sửa đổi có hiệu lực thi hành”, Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam đề xuất.

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, việc tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành sẽ không tác động đáng kể đến việc thu phí thẩm định/ngân sách nhà nước (phần lớn đối tượng duy trì là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã nộp phí thẩm định hồ sơ gia hạn) cũng như an toàn, chất lượng của thuốc.

Khắc phục triệt để sở hữu chéo, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích về các thông điệp "cứng rắn" nêu trên trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết về Kế hoạch phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư