Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Bệnh viện được tự chủ nhiều nội dung về tài chính
Nguyễn Lê - 09/01/2023 21:08
 
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, chiều ngày 9/1.
.
Quốc hội bấm nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự; thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, chiều 9/1.

Liên quan đến tự chủ bệnh viện, sau nhiều lần góp ý của đại biểu Quốc hội, Luật đã quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Giải trình ý kiến đại biểu trước khi Quốc hội bấm nút, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau và đang có những vướng mắc nhất định, cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.

Để có thể giải quyết một cách triệt để, về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn.

Dự thảo luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc. Khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được, bà Thuý Anh giải trình.

Liên quan đến xã hội hoá, luật  quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với 7 hình thức, gồm: đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Bệnh viện nhà nước được tự quyết định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Cũng phải chỉnh lý rất nhiều lần là quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của Nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, luật đã quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác.

HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền, nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Theo Luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo luật mới, các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Lần sửa đổi này, tại điều 25 lần đầu tiên Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.  Luật cũng quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Trước khi thông qua luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng về Điều 25 và kết quả có tới 79/481 vị không tán thành.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư