Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bệnh viện ngàn tỷ chờ hồi sức cấp cứu
Gia Huy - 26/08/2015 08:41
 
Trước tình trạng quá tải tại các bệnh viện trung tâm của TP.HCM, một loạt dự án xây mới bệnh viện đã được Thành phố quyết định triển khai thi công từ cách đây 5 - 6 năm, với mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”.

Đắp chiếu vì khiếu kiện

Năm 2010, UBND TP.HCM lên phương án xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 trên diện tích 16.925 m2 tại quận 9, với vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng. Sau 5 năm lên phương án xây dựng, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định khởi công Dự án vào ngày 19/4/2015. Tuy nhiên, Dự án đã bị dừng khởi công do có khiếu nại giữa các đơn vị chủ thầu xây dựng.

Nguyên nhân của khiếu nại được cho là do Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình (Sở Y tế) yếu kém trong quá trình tư vấn cho UBND Thành phố chọn nhà thầu chính. Cụ thể, ngày 17/1/2014, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố về việc giao Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) thực hiện tổng thầu EPC Dự án.

.
Năm 2010, UBND TP.HCM lên phương án xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 trên diện tích 16.925 m2 tại quận 9, với vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng

 

Tuy nhiên, không hiểu vì sao Ban quản lý lại tham mưu cho cấp trên giao Công ty TNHH một thành viên Xây dựng số 1 (CC1), khiến liên doanh HBC và Thuận Việt khiếu nại và Dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tiếp tục phải “đắp chiếu” chờ ngày khởi công lại.

Được lên phương án xây dựng từ năm 2007, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức được quy hoạch trên diện tích 54.589,1 m2, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng. Tới năm 2013, Dự án được chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình và UBND Thành phố quyết định khởi công xây dựng, sau khi Ban quản lý ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng Bệnh viện với Công ty TNHH Xuân Vy trị giá gần 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Dự án không được khởi công đúng theo kế hoạch, do Công ty Architects & Planners Archiplan Inc (Hàn Quốc) gửi đơn tới UBND Thành phố kiện Công ty TNHH Xuân Vy “ăn cắp thiết kế” của họ. Phía Công ty Architects & Planners Archiplan Inc cho rằng, thiết kế dự án thuộc bản quyền của Công ty, còn người “giả mạo” ký hợp đồng với Xuân Vy là nhân sự của Công ty đã nghỉ việc.

Vụ kiện một lần nữa cho thấy sự quản lý yếu kém của Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình khi không kiểm tra kỹ bản thiết kế và việc thi tuyển thiết kế ngay từ đầu. Sau khi phát hiện vụ việc trên, Ban quản lý đã hủy hợp đồng với Công ty TNHH Xuân Vy và phải mất gần 1 năm mới đòi lại được số tiền đã ứng cho phía Công ty.

Vướng mặt bằng và thủ tục

Sau nhiều năm nằm trên giấy, UBND TP.HCM quyết định giao Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa làm chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mới tại Khu đô thị Nam Thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mới có tổng mức đầu tư trên 1.130 tỷ đồng, được xây trên khu đất rộng 3,5 ha. Theo kế hoạch, thời gian thi công từ năm 2011 đến 2014, nhưng tới nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm là do chủ đầu tư không chuyển tiền để chi trả cho dân.

“Vì vấn đề pháp lý nên chúng tôi chưa thể huy động vốn vay từ ngân hàng để thực hiện chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa giải thích.

Trong khi đó, dù công tác đền bù giải tỏa đã hoàn tất, nhưng hàng loạt bệnh viện tuyến quận, huyện cửa ngõ của Thành phố được quy hoạch nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện nội thành vẫn chưa thể thực hiện. Lý do được Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình - chủ đầu tư các dự án này - đưa ra là các thủ tục mới ban hành quá rườm rà.

“Cấp cứu” bệnh viện ngàn tỷ

Trước sự chậm triển khai của Dự án Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, ngày 3/8/2015, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã có Văn bản số 4476/UBND-VX cho phép đấu thầu rộng rãi đối với Dự án. Ông Lâm Thái Hòa, chuyên viên phụ trách thông tin của Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình cho biết, hiện HBC và Thuần Việt đã rút đơn khiếu nại. Ban quản lý đang hoàn chỉnh tờ trình xin điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với chủ trương và theo đúng quy định của pháp luật.

“Tháng 9/2015, Ban quản lý sẽ tổ chức đấu thầu gói thầu thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiếp bị xây dựng. Tháng 12/2015 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị xây dựng, đồng thời xin ý kiến UBND Thành phố tổ chức lễ khởi công dự án vào đầu năm 2016”, ông Hòa cho biết.

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, phía Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa l đã có đủ nguồn vốn để thực hiện chi trả đền bù cho người dân tại Dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mới. Dự tính từ nay tới tháng 12, công tác đền bù giải tỏa sẽ hoàn tất và đầu năm 2016 sẽ tiến hành san lấp mặt bằng, khởi công công trình.

“Với Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình đang tiến hành công tác thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc. Dự kiến tới tháng 9 này, các đơn vị tham gia thi tuyển sẽ trình phương án thiết kế kiến trúc dự án và dự án sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2016”, ông Hòa nói.

Đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện cửa ngõ Thành phố, phải chờ thêm thời gian khá dài nữa mới có thể được triển khai. “Nhất định từ giờ tới tháng 10 sẽ triển khai xây dựng Khoa Khám bệnh công nghệ cao Bệnh viện Ung bướu. Riêng các bệnh viện khác sẽ đồng loạt thực hiện xây dựng vào năm 2016”, ông Hòa khẳng định.

Nỗi lo hàng chục ngàn tỷ đồng vốn tín dụng dồn ra mặt đường
Lượng vốn giải ngân cho các dự án BOT giao thông từ các tổ chức tín dụng đang tăng chóng mặt, mặc dù đây là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư