Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 07 năm 2024,
Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả
Huệ Nguyễn - 23/07/2024 19:14
 
Trả lời Hội đồng xét xử, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết xin dùng toàn bộ tài sản của bản thân và gia đình khắc phục hậu quả đã gây ra, đồng thời mong sớm được trở về với xã hội.

Chiều 23/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.

Trả lời Hội đồng xét xử liên quan đến phần trách nhiệm dân sự, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, cả hai đều mong muốn bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo bà Diệp, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Ngoài ra, còn có nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số ngân hàng.

Tuy nhiên, những tài sản bị phong tỏa, kê biên và tài sản thế chấp ngân hàng đã được gửi hồ sơ cho Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, do đó, bà không thể biết chính xác.

Hội đồng xét xử ghi nhận, trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng.

Bà Diệp cũng cho biết, trong ngày 23/7, đã huy động để nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng cho bị cáo Quyết, nâng tổng số tiền đã nộp khắc phục lên hơn 235 tỷ đồng.

Đến nay, gia đình cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khắc phục được hơn 235 tỷ đồng.

Trong khi đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc đã thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng; và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS với số tiền 3.621 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết thừa nhận toàn bộ hành vi theo như cáo trạng đã quy kết và số tiền thu lợi bất chính, chiếm đoạt của nhà đầu tư mà Viện Kiểm sát đã nêu.

Bị cáo Quyết cho rằng, mục đích nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros không nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, mà để phục vụ cho chủ trương thành lập một công ty xây dựng, chủ động cho các hoạt động đầu tư trong hệ thống Tập đoàn FLC và các dự án ở ngoài tập đoàn.

Về phương án khắc phục hậu quả, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định, sẽ vận động gia đình, người thân, dùng mọi tài sản hiện có để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Bị cáo cũng mong Hội đồng xét xử xem xét, cho bị cáo được hưởng khoan hồng để sớm trở về với xã hội, tiếp tục làm việc để có thể khắc phục triệt để hậu quả của những vi phạm do bản thân gây ra.

Liên quan tới hành vi trên, cơ quan công tố cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.

Để chiếm đoạt được tiền, Quyết đã giao cho Doãn Văn Phương, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (hiện đang bỏ trốn) và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông để nhận chuyển nhượng cổ phần, đứng tên ủy thác đầu tư “ảo” của Công ty Faros.

Sau khi thực hiện các thủ tục nâng khống vốn, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng công ty kiểm toán để hợp thức các Báo cáo tài chính, phục vụ nộp hồ sơ đăng ký Công ty Faros là công ty đại chúng và thực hiện niêm yết thành công 430 triệu cổ phiếu ROS lên Sở Giáo dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trái quy định.

Nhóm cựu lãnh đạo HoSE giúp cựu Chủ tịch FLC chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng
Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị; Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc và 2 đồng phạm tại HoSE bị cáo buộc lợi dụng chức vụ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư