Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Bị động trong giải tỏa công suất nguồn điện
Thanh Hương - 21/01/2021 17:25
 
Việc chưa có quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng lại liên tục bổ sung dự án mới khiến vấn đề giải tỏa công suất các nguồn điện này ở vào thế bị động.

Thủ tục phức tạp

Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), thách thức trong việc đầu tư các dự án truyền tải điện hiện nay là thủ tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khó khăn phức tạp, kéo dài. Có một số dự án cấp bách nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện.

Các dự án truyền tải trọng điểm đang vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng:
- Đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Pleiku 2: trên địa bàn Hà Tĩnh,Quảng Nam, Quảng Ngãi.
- Đường dây 500 kV Tây Hà Nội-Thường Tín, Nho Quan-Phủ Lý-Thường Tín: trên địa bàn Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam.
- Các đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa, Mỹ Tho - Đức Hòa, trạm biến áp 500 kV Đức Hòa và đấu nối: trên địa bàn Tiền Giang, Long An.
- Đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo: trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm: trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Đơn cử, trong 44 dự án có kế hoạch khởi công trong năm 2020, thì có 19 dự án chưa được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, 19 dự án chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Chưa kể, thủ tục thẩm tra, phê duyệt thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

“Một số địa phương quản lý chồng chéo quy hoạch, dẫn tới phải điều chỉnh lại tuyến và thiết kế công trình. Thậm chí, nhiều dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương”, ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT nói và cho biết thêm, nhiều thỏa thuận chuyên ngành như đánh giá tác động môi trường, tọa độ, độ cao tĩnh không, rà phá bom mìn, thỏa thuận giao thông đường sắt, thông tin liên lạc gặp vướng mắc và thường kéo dài.

Ngoài ra, việc chưa có quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và lưới truyền tải để giải tỏa, trong khi thực tế lại có sự bổ sung lẻ tẻ các dự án khiến EVNNPT bị động, không đủ thời gian để triển khai các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Trong năm 2020, EVNNPT gặp rất nhiều khó khăn khi công tác đầu tư xây dựng vướng mắc kéo dài trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Có nhiều dự án lưới điện truyền tải trọng điểm của EVNNPT đi qua rừng tự nhiên, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt Trì, Nậm Sum - Nông Cống, Nha Trang - Tháp Chàm”, lãnh đạo EVNNPT nói.

Về thách thức trong triển khai các dự án của năm 2021, lãnh đạo EVNNPT cho hay, việc hệ thống đấu thầu quốc gia được nâng cấp gần đây sẽ khiến quá trình đấu thầu qua mạng cần phải cập nhật và đào tạo nhiều, ảnh hưởng tới công tác lựa chọn nhà thầu. Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến đấu thầu hiện nay đều bị thay đổi và không áp dụng các mẫu hồ sơ mời thầu hiện có, nên chắc chắn có ảnh hưởng tới tiến độ lựa chọn nhà thầu để triển khai các dự án.

Dân so giá

Việc chưa có quy định về đất mượn tạm thời để phục vụ thi công, hay việc nhiều hộ dân yêu cầu đơn giá đền bù đất mượn để phục vụ thi công quá cao so với thiệt hại thực tế cũng đang gây khó khăn cho các dự án truyền tải do EVNNPT đầu tư.

Điểm đặc biệt nữa trong việc đầu tư các dự án truyền tải gần đây là việc người dân so sánh giá đền bù của các dự án truyền tải tư nhân đầu tư không phải theo chế độ, chính sách của Nhà nước, đã khiến các dự án truyền tải của EVNNPT gặp khó trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thừa nhận thực trạng này, ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù do Nhà nước quy định lạc hậu so với thực tế, khiến các đơn vị thi công khó khăn vì dân không chấp thuận. Nếu ở doanh nghiệp tư nhân sẵn có nguồn lực, sẽ linh động làm được, thì doanh nghiệp nhà nước không làm được.

Văn phòng Ban Chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến dự án điện, nhất là các dự án truyền tải bị đình trệ. Cụ thể, thời gian giải quyết các thủ tục của từng khâu trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng ở các cấp mất ít nhất 300 ngày (không tính thời gian cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công đào  móng...).

Tuy nhiên tới nay thực trạng này vẫn không có sự chuyển biến nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xây xong nhà máy điện mà chả biết dẫn điện đi đâu.

Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư đường truyền tải, EVNNPT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có thông tư hướng dẫn Nghị định 83/2020/NĐ-CP về chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo các bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định thực hiện Luật Xây dựng 62/2020/QH14. Trong đó hướng dẫn cụ thể nội dung thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ nội dung thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư. Xem xét phân cấp thẩm định nhằm giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước.

Bình Định đồng ý cho Tập đoàn PNE PG lắp cột gió khảo sát nguồn điện
Ngày 23/10, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE PG khảo sát, nghiên cứu và lắp đặt cột gió, đánh giá tiềm năng trên một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư