Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 2: Nơi cứu người lại có nguy cơ gây nguy hiểm cho bệnh nhân
Ngô Nguyên - 14/10/2022 08:19
 
Hàng loạt bệnh viện lớn tại TP.HCM xuống cấp và quá tải.
Thiếu thuốc do vướng quy định về đấu thầu, từ trạm y tế phường đến các bệnh viện lớn đều có nguy cơ không thể chữa bệnh. Hàng loạt bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất không đảm bảo công tác khám chữa bệnh, nhưng thiếu kinh phí đầu tư. “Làn sóng” y, bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc vẫn chưa dừng lại, dẫn tới thiếu người chữa bệnh… Đó là những thách thức, hay có thể gọi là những “bi kịch”, mà ngành y tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt.

 Dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) tê liệt nhiều năm, trong khi đó, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, lại có một ký túc xá cũ kỹ thường xảy ra cháy nổ nằm giữa bệnh viện. Điều kiện làm việc như vậy tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM có thể “đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh và nhân viên y tế”. 

Bệnh viện chữa chấn thương có thể gây thương tích cho bệnh nhân

Được xây dựng từ năm 1971 với diện tích hơn 5.000 m2, trải qua hơn 50 năm, đến nay, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã xuống cấp nghiêm trọng, các khối nhà cũ không đảm bảo cho hoạt động khám chữa bệnh và không an toàn cho thân nhân bệnh nhân cũng như nhân viên của Bệnh viện.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM gồm các khối nhà cũ không đảm bảo cho hoạt động khám, chữa bệnh
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM gồm các khối nhà cũ không đảm bảo cho hoạt động khám, chữa bệnh

Đáng lo ngại hơn, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, khu ký túc xá của Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nằm giữa Bệnh viện đã xuống cấp, cũ kỹ, nhiều lần bị cháy, đe doạ trực tiếp đến tính mạng của người bệnh và nhân viên y tế. Năm 2019 đã xảy ra 2 vụ cháy tại ký túc xá này, khiến hàng trăm bệnh nhân phải sơ tán. Trước đó, năm 2017, nước thải từ khu rác của ký túc xá chảy sang bệnh viện gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang. Năm 2015, một ống nước bằng sắt rơi từ tầng 8 của ký túc xá, xuyên qua mái tôn Bệnh viện, đâm thẳng vào phòng mổ.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM cho phép triển khai Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần (quy mô 1.000 giường); ưu tiên bố trí quỹ đất trên địa bàn TP. Thủ Đức để mở rộng quy mô Bệnh viện TP. Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt; xây dựng mới 2 trạm y tế và xây dựng cơ sở của Trung tâm Cấp cứu 115 đặt trên địa bàn TP. Thủ Đức.

Thiết kế của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chỉ dành cho khoảng 100 giường bệnh, nhưng đến nay đã tăng lên 600 giường, phải kê cả ở hành lang các khoa/phòng.

Sự quá tải cùng tình trạng hạ tầng xuống cấp đã khiến bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình này khó triển khai được các thiết bị kỹ thuật tiên tiến trong chữa trị.

Chung tình cảnh là Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Theo định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nếu tính theo tiêu chuẩn trung bình trên toàn quốc là 12 giường/100.000 dân, thì với dân số của TP.HCM hiện tại (khoảng 10 triệu người), hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần cần ít nhất 1.200 giường.

Tuy nhiên, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chỉ có tổng số 300 giường bệnh, chia ra 3 cơ sở ở 3 vị trí khác nhau (số 766 - Võ Văn Kiệt, quận 5; ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; số 165B - Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận). Thực tế này không chỉ gây quá tải, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị.

Tình trạng cơ sở y tế chật chội, xuống cấp, quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép 3, thậm chí phải nằm ngoài hành lang cũng diễn ra tại TP. Thủ Đức. Cụ thể, Bệnh viện TP. Thủ Đức có quy mô 800 giường, nhưng trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5.000 - 6.000 bệnh nhân; Bệnh viện Lê Văn Việt quy mô chỉ 100 giường nhưng phải tiếp nhận 700 - 800 bệnh nhân/ngày; Bệnh viện Lê Văn Thịnh quy mô 500 giường, tiếp nhận 3.200 - 3.400 bệnh nhân/ngày.

Ai quan tâm đầu tư?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ 10 năm trước, UBND TP.HCM cũng đã “ngó xuống” khi quyết định cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM thực hiện Dự án Đầu tư xây mới tại Khu 6A, Khu chức năng số 6, đô thị mới Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh).

Tới năm 2014, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã thi phương án thiết kế và bảo vệ thiết kế.

Tháng 5/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 2.166 tỷ đồng, trong đó có 1.230 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản. Đối tác đầu tư là Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa. Dự kiến, TP.HCM sẽ hoán đổi 4 lô đất thuộc khu dân cư phía Bắc, số 4 trên trục Đại lộ Vòng Cung, Khu đô thị Thủ Thiêm cho nhà đầu tư.

Theo các bệnh viện TP.HCM, việc sử dụng mặt bằng để triển khai các hoạt động phụ trợ (như căng-tin, bãi xe...) ở các bệnh viện là rất thiết thực để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người bệnh, thân nhân người bệnh. Từ năm 2018, các đơn vị đã xây dựng đề án sử dụng mặt bằng gửi Sở Tài chính TP.HCM thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đều chưa được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công để cung ứng các dịch vụ tiện ích cho người bệnh.

Thế nhưng, tới giờ này, bệnh viện mới vẫn không thấy đâu. Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM phải kiến nghị ngừng triển khai Dự án theo hình thức BT, cho phép chuyển địa điểm Dự án về khu Tân Tạo - Chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) với diện tích khoảng 5 - 6 ha.

Nỗi khốn khổ về đầu tư xây mới cũng xảy đến với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - bệnh viện tuyến cuối chuyên thu dung, cách ly, điều trị bệnh lây nhiễm, kể cả các bệnh mới nổi.

Do các khoa Khám bệnh, Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã xuống cấp, quy mô không tương xứng với vai trò, chức năng của một bệnh viện chuyên khoa lây nhiễm đầu ngành, từ năm 2011, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Bệnh viện triển khai Dự án Xây dựng mới khối khoa khám bệnh. Năm 2016, Dự án đã được HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công và đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư.

Oái oăm là, sau đó, Sở Giao thông - Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM lại đề xuất mở đường Cao Đạt (nối dài) xuyên qua khuôn viên Bệnh viện, không chỉ gây ô nhiễm, nguy hiểm cho công tác điều trị, mà còn nguy hiểm cho bệnh nhân.

Ngành y tế TP.HCM đã rất nhiều lần phản bác dự án mở đường Cao Đạt (nối dài). “Cuộc đấu” giữa các bên kéo dài lê thê khiến người bệnh khốn đốn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thường xuyên trong tình trạng quá tải, song tới thời điểm này, UBND TP.HCM vẫn “án binh bất động”.

Một trường hợp khác là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, có tuổi đời 85 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2017, các sở, ngành đã tham mưu UBND TPHCM thực hiện dự án xây dựng bệnh viện này theo hình thức hợp đồng BT tại khu Mả Lạng (quận 1) với quy mô 300 giường. Tuy nhiên, tới tận giờ này, công trình vẫn chưa được khởi công.

Được đầu tư thì… lê thê

Có một nghịch lý là, trong khi hàng loạt bệnh viện xuống cấp không có kinh phí đầu tư, thì nhiều bệnh viện được đầu tư, được bố trí hàng ngàn tỷ đồng, nhưng tiến độ thi công lại rất “ì ạch”.

Điển hình là Dự án Cải tạo xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn II được đầu tư hơn 600 tỷ đồng nhằm thay thế một số khu khám, chữa bệnh đã xuống cấp. Dự án khởi công từ tháng 11/2021, nhưng tới tháng 2/2022 mới bắt đầu thi công và tiến hành rất chậm chạp, nên đã “vỡ kế hoạch” hoàn thành (tháng 6/2022).

Tương tự, Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi là một trong 3 công trình y tế trọng điểm của khu vực cửa ngõ TP.HCM, được cấp vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh, tổng diện tích 60.000 m2. Dự án được khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong 36 tháng, nhưng tiến độ thi công cũng đang rất chậm.

Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015 - 2020, lĩnh vực y tế có 109 dự án được thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 23.327 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, có 39 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, như Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp, Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn III, Bệnh viện Tai mũi họng.

Đến năm 2022, có thêm một số dự án được hoàn thành, như Dự án Xây dựng Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cơ sở II, Dự án Khu điều trị tim mạch kỹ thuật cao Bệnh viện Nhi đồng 1, Dự án Xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn I. Còn lại, đa số các dự án khác đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân chậm tiến độ các dự án xây dựng y tế một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, song chủ yếu vẫn do biến động giá vật liệu xây dựng, nên các nhà thầu thi công cầm chừng. Thậm chí, có nhà thầu thẳng thừng rằng, sẵn sàng đền hợp đồng chứ không thi công, bởi nếu tiếp tục làm thì có thể lỗ hàng chục tỷ đồng.

Mặt khác, có một số dự án do hết thời gian thực hiện, lại phải ngưng để chờ gia hạn, dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng. Đơn cử, Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Răng hàm mặt, khối lượng giải ngân hiện vẫn là 0% do đang chờ Sở Xây dựng TP.HCM chấp thuận chủ trương gia hạn dự án; Dự án Khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng phải ngưng do gặp khó khăn vì chênh lệch lớn về giá giữa thời điểm trúng thầu và hiện tại.

Thế nên, nhìn vào bản danh sách dài đề xuất bố trí đất đai và vốn đầu tư xây dựng bệnh viện để cứu người của Sở Y tế gửi tới UBND TP.HCM, chỉ nghe tiếng “thở dài”.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư