Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 3: Khủng hoảng nhân lực và những câu hỏi
Ngô Nguyên - 16/10/2022 09:24
 
Cơ chế vướng mắc tạo nên vòng luẩn quẩn, đồng thu nhập “bèo” không đủ sống, hàng ngàn y, bác sĩ khu vực công ở TP.HCM đã quyết định nghỉ việc, “nhảy” việc.
Thiếu thuốc do vướng quy định về đấu thầu, từ trạm y tế phường đến các bệnh viện lớn đều có nguy cơ không thể chữa bệnh. Hàng loạt bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất không đảm bảo công tác khám chữa bệnh, nhưng thiếu kinh phí đầu tư. “Làn sóng” y, bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc vẫn chưa dừng lại, dẫn tới thiếu người chữa bệnh… Đó là những thách thức, hay có thể gọi là những “bi kịch”, mà ngành y tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối mặt.

Bài 3: Khủng hoảng nhân lực và những câu hỏi

Gần 30% y, bác sĩ không được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù, dù hiệu quả công việc, hiệu suất làm việc tương tự nhau. Nhiều bệnh viện không có tiền để chi thu nhập tăng thêm, dù đã được duyệt cơ chế đặc thù. 

Làm việc như nhau, nhưng lại không được hưởng đặc thù

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý.

Hàng ngàn y, bác sĩ nghỉ việc, khiến các bệnh viện tại TP.HCM thiếu nhân lực trầm trọng
Hàng ngàn y, bác sĩ nghỉ việc, khiến các bệnh viện tại TP.HCM thiếu nhân lực trầm trọng

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế TP.HCM là 42.722 người, trong đó viên chức là 27.411 người; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP là 3.270 người; hợp đồng lao động khác là 12.041 người.

Những tưởng, tất cả sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù, nhưng Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM, thì chỉ có nhóm công chức, viên chức mới được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù; nhóm nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/

Sau 6 năm học đại học y và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, mất khoảng 1 tỷ đồng. Nếu được tuyển dụng vào bệnh viện công lập, thì bác sĩ hưởng lương khởi điểm, cộng với phụ cấp ưu đãi nghề 40%, thì tổng thu nhập được gần 4,9 triệu đồng/tháng. Mức lương này không thể đủ sống, nên buộc phải “chân trong, chân ngoài”, hoặc “nhảy” sang bệnh viện tư. Thu nhập tại bệnh viện tư thường gấp 4 - 6 lần bệnh viện công.

(chia sẻ của một bác sĩ tại TP.HCM đã nghỉ việc, xin không nêu tên)

NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì do đơn vị xác định thu nhập tăng thêm trên cơ sở nguồn kinh phí tự chủ và quy chế chi tiêu nội bộ (chiếm 8%); nhóm nhân viên hợp đồng lao động khác không thuộc đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm (chiếm 28%).

Chiếu theo đó, toàn TP.HCM chỉ có 64% y, bác sĩ được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù; 8% được hưởng hay không phụ thuộc vào kinh phí tự chủ của các bệnh viện và 28% còn lại thì không có đồng nào ngoài lương.

Theo PGS-TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, do đặc thù của ngành y tế TP.HCM, nên nhóm đối tượng hợp đồng lao động có số lượng khá lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả công việc, hiệu suất làm việc, năng suất lao động của các nhóm công chức, viên chức và hợp đồng lao động đều tương tự như nhau. Nguồn cải cách tiền lương được tạo ra từ nguồn thu của đơn vị, mà nguồn thu được hình thành là do tất cả các nhóm đối tượng này tạo ra.

Thế nên, nếu chỉ có 64% y, bác sĩ được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, thì chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng của đơn vị y tế công lập tại TP.HCM.

Được hưởng thêm thu nhập, nhưng… tiền đâu?

Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM quy định, chi thu nhập tăng thêm cho y, bác sĩ lấy từ “nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang”. Chính quy định này đã khiến hàng loạt bệnh viện gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm.

Cụ thể, đối với nguồn cải cách tiền lương từ năm 2005 đến năm 2015: Phần chênh lệch giữa tỷ lệ phải trích (35 - 40%) và số thực tế đã trích, thì các đơn vị đã sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho người lao động (do các bệnh viện đã được giao tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP). Thế nhưng, theo hướng dẫn, khoản tiền này vẫn phải xác định là nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, nên ngân sách không cấp bổ sung.

Đối với nguồn cải cách tiền lương từ năm 2016, Bộ Tài chính đã cho phép các bệnh viện được tự quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị. Phần chênh lệch giữa tỷ lệ phải trích (năm 2016 - 2017 là 10%; năm 2018 - 2021 là 35 - 40%) và tỷ lệ mà đơn vị được tự quyết định thì đã được sử dụng chi hoạt động chuyên môn, mua sắm, thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ…, nên thực tế không còn khoản tiền này. Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn, phần thiếu hụt này vẫn phải xác định là nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, ngân sách không cấp bổ sung.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu của các đơn vị đều bị giảm sút, một số đơn vị không cân đối được nguồn tài chính (chênh lệch thu chi dưới 0).

Như vậy, cho dù TP.HCM có chính sách hỗ trợ đặc thù bằng cách tăng thu nhập cho công chức, viên chức nhằm động viên họ hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng việc triển khai chính sách này đối với nhân viên y tế chưa thật sự có ý nghĩa, chưa giúp nhân viên y tế công lập an tâm công tác, vì nguồn thu nhập tăng thêm tại một số đơn vị sự nghiệp y tế vẫn thấp do TP.HCM quy định nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị truy tính từ những năm 2005.

Hàng ngàn y, bác sĩ bỏ blouse trắng

Đồng lương “bèo”, thu nhập tăng thêm có cũng như không, trong khi giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến hơn 2.500 nhân viên y tế công lập ở TP.HCM nghỉ việc hoặc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân (tính từ tháng 1/2021 đến hết tháng 8/2022). Trong đó, có tới 720 bác sĩ và 920 điều dưỡng có thời gian công tác lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.

Có nơi như Trung tâm Y tế quận 10, Bệnh viện Trưng Vương, do không chi được thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND vì nguồn thu không đảm bảo và số dư từ nguồn cải cách tiền lương phải trích lập theo quy định, nên rất nhiều bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm ồ ạt nghỉ việc.

Để bù đắp lại số y, bác sĩ nghỉ việc, từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức tuyển dụng hơn 2.000 người. Tuy nhiên, hầu hết nhân sự mới được tuyển dụng là các bác sĩ, điều dường trẻ, mới tốt nghiệp, phải mất một thời gian không ngắn để đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành, nên không thể bù đắp cả về “lượng” và “chất”, bởi hầu hết nhân viên y tế nghỉ việc là người có kinh nghiệm.

Cơn “khủng hoảng” điều dưỡng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, điều dưỡng là loại hình nhân viên y tế có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, là người phụ trách công tác kiểm tra, theo dõi tình trạng người bệnh hằng ngày, thực hiện và theo dõi việc dùng thuốc cho người bệnh và các công việc liên quan khác để phục vụ quá trình từ lúc người bệnh vào viện cho đến khi người bệnh phục hồi.

Sở Y tế TP.HCM cho hay, trước tình trạng nhiều điều dưỡng nghỉ việc, từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở đã tuyển dụng được 702 người để bổ sung, nhưng số lượng điều dưỡng vẫn thấp hơn năm 2021 là 218 người.

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.

Theo thống kê từ ngày 1/1/2021 đến hết tháng 6/2022 của Bộ Y tế, cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 nhân viên kỹ thuật, 276 hộ sinh, 593 nhân viên dược, 2.280 viên chức khác).

Hiện tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện công lập tại TP.HCM là 1,86/1 (theo quy định phải là 3/1). Trong đó, có đến hơn 50% tổng số khoa lâm sàng của các bệnh viện có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2/1.

Tương lai còn đáng lo ngại hơn, khi tỷ lệ thí sinh nộp đơn học điều dưỡng sụt giảm nghiêm trọng. Đơn cử, tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu như năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng, thì năm 2022 đã giảm tới 66%, chỉ còn 781 người nộp đơn đăng ký học điều dưỡng. Tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.

Nguyên nhân được xác định là, do đặc thù của công việc điều dưỡng khá vất vả, áp lực công việc ngày càng lớn, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thì thấp, không đảm bảo cuộc sống, khiến một bộ phận điều dưỡng quyết định bỏ nghề, chuyển nghề, một số khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế.

Mặt khác, kinh phí đào tạo chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng khá cao, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi, nên số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.

“Tình hình thiếu hụt điều dưỡng tại các bệnh viện có khả năng trở thành một thách thức mới, kéo dài, vì các bệnh viện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng để bù đắp số đã nghỉ việc. Khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện”, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM bày tỏ lo lắng.

Để giải quyết tất cả sự “khủng hoảng” về cả nhân sự, cơ sở vật chất, thuốc men, ngành y tế TP.HCM mong muốn thay đổi cơ chế đấu thầu, tăng vốn đầu tư, chi hơn 500 tỷ đồng để mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm.

Kinh phí vẫn là “chìa khóa” để mở mọi “cánh cửa”. Nhưng “tiền đâu” lại là câu hỏi lớn cho TP.HCM.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư