Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
BIDV chi trả cổ tức 7% cho năm 2017 - 2018, ngân sách nhận về 4.560 tỷ đồng
Thùy Liên - 26/10/2019 08:44
 
Ngân sách hạn hẹp nên cuối cùng BIDV vẫn phải chấp nhận chi trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì phát hành cổ phiếu để tăng vốn như đề xuất. Việc thanh toán cổ tức sẽ được thực hiện vào ngày 12/12/2019.

Ngày 25/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin BIDV chi trả cổ tức năm 2017, 2018.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 1056/NQ-BIDV của Hội đồng quản trị BIDV ngày 25/10/2019, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mỗi năm.

Cụ thể, cổ tức năm 2017 và năm 2018 đều là là 7%, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/11/2019 và ngày dự kiến thanh toán là 12/12/2019.

Với tỷ lệ chi trả cổ tức này, ngân sách nhà nước sẽ nhận về 4.560 tỷ đồng trong hai năm (tỷ lệ sở hữu của nhà nước là 95.28%).

Suốt 3 năm qua, BIDV cùng với VietinBank và VCB nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn song không được chấp thuận. Hiện nay, cả VietinBank lẫn BIDV đều chưa được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II dù đã nộp hồ sơ lên NHNN, hệ số an toàn vốn (CAR) của hai ngân hàng này đang ở ngưỡng tối thiểu.

Việc tăng vốn với BIDV có thể sẽ dễ dàng hơn nếu thương vụ bán 15% cổ phần cho KEB Hana được hoàn tất, dự kiến trong quý IV/2019 này.

Kết quả kinh doanh quý III/2019 cho thấy, BIDV đang nỗ lực xử lý nợ xấu. Kết thúc 9 tháng, lợi nhuận của BIDV chỉ đạt 7.028 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước do trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh, lên tới 16.501 tỷ đồng, tăng gần 14,9% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước rất khó khăn (nhất là với Agribank và VietinBank), ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để xử lý vấn đề tăng vốn, đồng thời có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank, song chưa được giải quyết.

Để sớm xử lý bài toán vốn của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước  đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).

M&A ngân hàng chờ thương vụ tỷ USD
Ngoài thương vụ BIDV - KEB Hana Bank đang trong quá trình hoàn tất với giá 882 triệu USD, lĩnh vực ngân hàng hứa hẹn còn một số thương vụ mua bán - sáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư