Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 07 tháng 08 năm 2024,
Biến chứng nặng vì làm đẹp tại cơ sở không được cấp phép
Mộc An - 06/08/2024 08:42
 
Dù rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nhưng số ca nhập viện do gặp phải biến chứng nghiêm trọng của việc làm đẹp một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết vẫn gia tăng trong thời gian gần đây.

Nhập viện sau phẫu thuật thẩm mỹ

Sau hơn 2 tháng thực hiện phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, chị N.N.V (42 tuổi, Thái Nguyên) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám trong tình trạng đau, sưng nề, mưng mủ trầm trọng hai bên ngực.

Trước đó, chị đã thăm khám tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán nhiễm trùng da mô mềm, nhưng quá trình điều trị không thuyên giảm. Tại Bệnh viện Medlatec, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân cho thấy hình ảnh các ổ dịch viêm, áp xe rải rác tuyến vú.

Bệnh nhân được chọc dịch ổ áp xe lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn Mycobacterium

fortuitum (NTM). Bác sỹ xác định, chị V. nhiễm trùng da mô mềm do  NTM - một dạng vi khuẩn lao không điển hình.

Bác sỹ nội trú Trần Hữu Đạt (Phòng Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm Medlatec) cho biết, tỷ lệ nhiễm trùng da mô mềm do NTM đang ngày càng gia tăng. Tình trạng này thường bị bỏ qua do triệu chứng không điển hình và bác sỹ không chỉ định thường quy các xét nghiệm chẩn đoán NTM.

Điều trị NTM khác hoàn toàn với các nhiễm trùng do vi khuẩn thông thường khác, do NTM có tỷ lệ kháng thuốc cao, tính dung nạp thuốc kém, phác đồ điều trị rất dài và cần phối hợp nhiều thuốc. Theo bác sỹ Đạt, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm trùng của chị V. có thể do quá trình thực hiện phẫu thuật không đảm bảo các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ 35 tuổi bị hoại tử vùng bụng, nhiều ổ dịch trong bụng. Nữ bệnh nhân cho biết, đầu tháng 7/2024, chị phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng tại một cơ sở y tế. Sau khi phẫu thuật ít ngày, chị thấy đau xung quanh vết mổ, một số vùng da bị thâm đen.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sỹ tiến hành thăm khám, thấy toàn bộ da vùng bụng và rốn của bệnh nhân hoại tử đen, chảy nhiều dịch mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng và nhiễm trùng sau hút mỡ tạo hình thành bụng.

Cẩn trọng khi làm đẹp

Theo cơ quan chức năng, hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động “chui”, không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cơ sở mạo danh này.

Trước thực tế nhức nhối nêu trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, Cục đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, xác minh; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và ngành y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Bác sỹ Hoàng Hồng, Phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn các thủ thuật, cơ sở thẩm mỹ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các chị em khi đi làm đẹp phải tìm hiểu rất kỹ, không nên tin vào những clip quảng cáo tràn lan trên mạng hay chỉ dựa vào lời giới thiệu, kinh nghiệm của người khác.

Trường hợp muốn thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật, can thiệp thẩm mỹ, chị em cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép, đó là các bệnh viện/phòng khám y khoa. Theo quy định, các spa không được làm các biện pháp can thiệp chảy máu; người thực hiện các can thiệp này phải là các bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.

Liên tục tiếp nhận điều trị cho các ca tai biến, thẩm mỹ hỏng, PGS-TS. Lê Hữu Doanh (Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương) khẳng định, các tai biến liên quan đến làm đẹp chủ yếu do thực hiện tại cơ sở chưa được cấp phép, nhân viên thực hiện thủ thuật không phải là bác sỹ.

Đáng chú ý, rủi ro không chỉ đến từ việc phẫu thuật, mà các phương pháp làm đẹp khác như tiêm filler, botox, meso hay laser, peel da... đều có nguy cơ xảy ra tai biến.

Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), nếu làm đẹp đúng chỉ định, do bác sỹ chuyên khoa thực hiện, thì tỷ lệ biến chứng rất ít. Tuy nhiên, trên thực tế, các ca tai biến, làm đẹp hỏng mà bệnh viện tiếp nhận điều trị phần lớn do người thực hiện không được đào tạo cơ bản. Họ chỉ học qua các khóa đào tạo không chính thống, rồi quảng cáo, giới thiệu như chuyên gia và tùy tiện làm đẹp cho người dân.

Biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật làm đẹp
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp bệnh nhân nữ nhiễm trùng da mô mềm do vi khuẩn lao không điển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư