Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Biến chứng sau làm đẹp: Vì sao nhiều như nấm sau mưa?
D.Ngân - 14/11/2023 13:23
 
Với tâm lý dễ dãi trong làm đẹp, thời gian qua nhiều Bệnh viện Da liễu Trung ương liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do tai biến thẩm mỹ.

Nhiều trường hợp biến chứng nặng

Đánh vào tâm lý dễ dãi, không lựa chọn kỹ càng khi làm đẹp, nhiều cơ sở đã tung ra các chiêu quảng cáo hấp dẫn với những mỹ từ như không đau đớn, làm đẹp nhanh, chi phí phải chăng để thu hút khách hàng.

Khi khách hàng cả tin sập bẫy thì việc còn lại là cơ sở hốt bạc còn khách hàng thì đối diện với nhiều nguy cơ sức khoẻ trong đó lớn nhất là các tai biến xảy ra như nấm sau mưa thời gian qua.

Gần đây nhất Bệnh viện Da liễu Trung ương phải điều trị cho một nữ bệnh nhân 33 tuổi vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, có tiền sử xăm môi trước đó 2 tuần.

Nhiều bệnh nhân gặp phải những tai biến nghiêm trọng sau khi làm đẹp phải cần cấp cứu tại các bệnh viện lớn

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này xuất hiện tổn thương Herpes ở môi sau khi xăm 3 ngày. Sau đó nữ bệnh nhân được điều trị bằng Acyclovir 1,6g/ngày chỉ dùng trong 2 ngày, và bôi kháng sinh tại chỗ, bệnh nhân hết tổn thương ở môi sau 1 tuần.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dát đỏ vùng cẳng - bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó rải rác thân mình.

Qua thăm khám và hỏi bệnh các bác sĩ chẩn đoán đây là 1 trường hợp hồng ban đa dạng điển hình. Nguyên nhân hướng đến căn nguyên do nhiễm Herpes sau phun xăm môi.

Ngoài tai biến sau xăm môi, tai biến sau tiêm filler cũng là một thực tế nhức nhối. Theo phản ánh của nhiều cơ sở y tế họ thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân gặp tai biến sau làm đẹp.

Cứ vài tuần, Bệnh viện Da liễu Trung ương lại gặp một vài ca bị biến chứng từ nhẹ đến nặng do tiêm filler. Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng như sưng nề, chảy máu hoặc nhiễm trùng do điều kiện vô khuẩn không bảo đảm với các biểu hiện như sưng nề, tím, mụn mủ, chảy dịch, chảy mủ.

Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ cơ sở, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt.

Nguyên nhân là do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, ThS.Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Bạc Liêu bị áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler, gây hoại tử dưới da. Biến chứng này là hậu quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.

Biến chứng nhiễm trùng filler thường biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, EColi. Trường hợp của cô gái là vi khuẩn Klebsiella. 

Nhiễm trùng Klebsiella Pneumoniae là một trong những loại nhiễm trùng nguy hiểm, cần được điều trị nhanh chóng, nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người bệnh.

Một nữ bệnh nhân khác cũng phải nhập viện sau khi nâng cấp vòng 1 không cần phẫu thuật theo quảng cáo. Bệnh nhân T.H.T (30 tuổi, Thanh Hoá) do tự ti với vòng một quá nhỏ nên chị muốn thay đổi kích cỡ.

Sau một thời gian tìm hiểu, chị T. đã biết tới phương pháp nâng ngực đệm mô lipid không cần phẫu thuật, không đau đớn, ngực đẹp nhanh và chi phí rất phải chăng với chỉ 10 triệu đồng.

Nghe theo lời giới thiệu của nhân viên tư vấn, chị T. đã tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện thủ thuật. Sau 14 ngày, thực hiện phương pháp nâng ngực đệm mô lipid chị T. cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường. Sau đó, chị đã tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khám.

Một trường hợp khác, chị B.T.H (26 tuổi, Hà Nội) đến một spa với mong muốn cải thiện vòng ngực, chị kể chị đọc được thông tin quảng cáo nâng ngực mà không cần phẫu thuật của cơ sở này. Sau khi đến, chị được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích kích thích nâng ngực. 

Vài ngày sau, chị thấy đau nhức vùng ngực và đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà thì kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và vòng 1. Hoang mang quá, chị đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám.

Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật

Theo các bác sĩ, tiêm filler là kỹ thuật không quá phức tạp, có thể tiến hành một cách đơn giản. Tuy nhiên, việc sử dụng loại filler nào, kỹ thuật tiêm ra sao để vừa đạt hiệu quả vừa đảm bảo an toàn lại vô cùng quan trọng.

Các bác sĩ cần có những hiểu biết về giải phẫu của vùng tiêm. Đồng thời, cần được đào tạo về kỹ thuật một cách đầy đủ để tránh các biến chứng đáng tiếc.

ThS.Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, chất làm đầy hiện được sử dụng chủ yếu là HA (Hyaluronic acid), để sửa chữa những khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm.

Filler sẽ làm đầy hõm tự nhiên trên cơ thể để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn, cải thiện làn da bị lão hóa.

Theo bác sĩ Quân, có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc tiêm filler ngực cũng có thể gây tử vong. Đầu tiên, có thể là nguyên nhân thuyên tắc mạch phổi do chất làm đầy được tiêm vào các động mạch, tĩnh mạch ở vị trí ngực.

Chất này di chuyển về phổi và gây thuyên tắc mạch phổi, dẫn tới suy hô hấp. Bệnh nhân có thể bị thuyên tắc mạch tim gây ngừng tim, dẫn tới tử vong. Nguyên nhân ít nghĩ đến nhưng có thể xảy ra đó là người bệnh bị thuyên tắc mạch não gây đột quỵ tử vong.

Ngoài ra, không loại trừ nguy cơ khi tiêm filler với khối lượng lớn bao giờ cũng kèm chất gây tê nhiều. Từ đó, có thể gây ra ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ do thuốc tê.

Người thực hiện thủ thuật nếu không được đào tạo bài bản, có chứng chỉ chuyên môn thì có thể tiêm xuyên thủng ngực vào phổi. Đồng thời, có thể gây biến chứng tràn dịch, tràn khí màng phổi, gây xẹp phổi, tử vong do suy hô hấp.

Còn theo ThS Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cần chú trọng tới việc phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp. Sản phẩm filler cần đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA.

Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, đến phát hiện và xử trí biến chứng. Từ đó, đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.

Trước khi tiêm, khách hàng cần được thảo luận về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn. Từ đó, để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy. Tối đa hóa kỹ thuật tiêm và hiểu biết thấu đáo về các biến chứng tiềm ẩn, cũng như cách xử trí có thể giúp tránh và hạn chế thương tổn.

Các loại filler được FDA cấp phép vẫn khẳng định tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỉ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ...

Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự gia tăng số lượng biến chứng xảy ra. Filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: Nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử .

Cảnh báo biến chứng làm đẹp bằng tiêm filler
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một số trường hợp biến chứng sau tiêm filler.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư