Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Biến đổi khí hậu, nông dân Kiên Giang lao đao vì hạn mặn
Huy Thịnh - 12/03/2016 19:24
 
Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ông Đào Xuân Nha cho biết, nhiều ngày qua, nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phải lao đao vì hàng ngàn ha diện tích lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn phát triển tốt đã đột ngột “chết khô”.

Nguyên nhân xác định do khô hạn nên nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. “Đã có hơn 500 ha lúa thuộc 2 xã Bình Giang và Bình Sơn bị thiệt hại từ 70% trở lên. Để sớm khắc phục tình trạng này, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tập trung thống kê chính xác diện tích lúa, số hộ và mức độ thiệt hại để kiến nghị cấp trên có biện pháp hỗ trợ", ông Nha nói.

Theo ông Dương Trung Bền ở xã Bình Giang (huyện Hòn Đất) cho biết, lân cận khu vực này còn rất nhiều hộ dân khác cũng đang trong tình trạng khốn khổ, vì gần đến ngày thu hoạch thì toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng vì ruộng lúa đang lụi dần. Ông Bền còn chỉ miếng ruộng cho biết, hơn 2 ha lúa của ông đang trong giai đoạn đòng trổ thì xuất hiện hiện tượng lem lép hạt, ngã cây, rồi dần dần chết khô trên đồng. Năm trước mỗi công (1.000 m2) sản xuất, gia đình của ông thu được khoảng trên 1 tấn lúa, nhưng vụ này, mỗi công chỉ được khoảng 300 kg, chất lượng lúa lại quá xấu nên cũng chỉ có thể dùng để chăn nuôi.

Lúa chết cháy vì hạn mặn.
Lúa chết cháy vì hạn mặn.

Ông Huỳnh Văn Măng, người dân ấp Giồng Kè, xã Bình Giang huyện Hòn Đất than thở, “Vụ lúa đông xuân bị chết đột ngột đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con nơi đây. Bởi đây là vụ lúa chính trong năm, mà lúa chết cũng đồng nghĩa các khoản tiền vay ngân hàng, tiền mua chịu tiền phân, tiền mua thuốc trừ sâu... sẽ khó mà trả được”.

Hơn 70% nông dân vùng này có lúa bị thiệt hại đều là những gia đình nghèo, tiền đầu tư cho sản xuất đều phải vay mượn nên đời sống hết sức khó khăn. Do vậy nhiều nông dân ở đây kiến nghị các ngành chuyên môn cần sớm có những giải pháp khắc phục tình hình xâm nhập mặn cũng như xem xét, có hướng hỗ trợ cho bà con nông dân để giúp người dân yên tâm tái tạo lại sản xuất trong vụ Hè Thu tới, nhằm ổn định cuộc sống.

Hiện xã Bình Giang có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 13.000 ha. Trong đó, khu vực phía Nam quốc lộ 80 (giáp biển) gồm các ấp: Giòng Kè, Ranh Hạt, Kinh Tư và Bình Hòa, có gần 1.000 ha chuyên sản xuất 2 vụ lúa. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước tiến hành xây dựng 10 cống ngăn mặn, giữ ngọt, đến nay có 9 cống đã đưa vào hoạt động và một cống đang thi công dang dỡ.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, bước đầu các hệ thống cống này đều phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động trong sản xuất. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng nhiều cửa cống trên địa bàn đã bị đất bùn bồi lấp nên không thể thực hiện quy trình đóng mở được. Từ đó, nguồn nước bị ứ đọng lâu ngày dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.

"Mặt khác, do lỗi kỹ thuật trong xây dựng mà một số vách ngăn cửa cống thường xuyên bị nước mặn tràn sâu vào đồng ruộng. Vì vậy, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa của bà con nông dân. Hiện tại diện tích lúa bị thiệt hại do bị nhiễm mặn trên địa bàn xã là 480 ha. Trước tình hình này, xã Bình Giang cũng đã kiến nghị các ngành chuyên môn và lãnh đạo huyện Hòn Đất xem xét, nhằm có hướng hỗ trợ cho bà con nông dân", ông Phát kiến nghị.

Quyết liệt chống hạn hán và xâm nhập mặn
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư