Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Biến nông sản thành hàng xa xỉ
Quang Hưng - 25/02/2013 14:00
 
Sau những trăn trở về hướng đi cho các sản phẩm nông nghiệp Việt, Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Thăng Long đã từng bước biến những sản phẩm nông nghiệp Việt thành mặt hàng có giá, thậm chí là hàng xa xỉ.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Đã quen với hình ảnh lãnh đạo các doanh nghiệp chỉn chu tại các văn phòng công sở ở thành phố, chúng tôi khá bất ngờ khi Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Thăng Long hẹn trả lời phỏng vấn ở một địa điểm khá hẻo lánh dưới chân núi Ba Vì thuộc thôn Yên Sơn, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Càng bất ngờ hơn khi tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà có biển đề “Nam dược thần hiệu Tuệ Tĩnh đường” là một ông già râu tóc đã bạc, nhưng còn rất tráng kiện. Trong nhà là vô vàn bao gói cao xương ngựa bạch, đồ uống hoà tan Mangiferin (chiết xuất từ quả xoài), trà túi lọc Voirunsim, trà giảo cổ lam Bách vạn an Thăng Long, tinh bột xoài Thăng Long, tinh bột gấc Thăng Long, kẹo gấc Thăng Long…

Ông tự giới thiệu là bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Thăng Long, người đã bỏ hàng chục năm nghiên cứu và biến các sản phẩm nông nghiệp thông thường thành những sản phẩm thực phẩm chức năng có giá trị cao, được bán rộng rãi tại các siêu thị, nhà thuốc…

Sản phẩm đầu tiên ông giới thiệu với chúng tôi là trà túi lọc Bách vạn an Thăng Long, được chế biến từ cây giảo cổ lam 7 lá (thất diệp đởm) do Viện Dược liệu Việt Nam thu hái trên vùng núi Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lào Cai. Tác dụng của giảo cổ lam đã được nhiều người biết đến, nhưng theo ông Trọng, thì loại giảo cổ lam 7 lá có 2 hoạt chất đặc biệt quan trọng với sức khoẻ là Mangifirin và Frutoogosacarit (FOS). Đặc biệt, giảo cổ lam 7 lá có chứa Flvoloit (6,55%) và Sapolin (10,43%), tương tự thành phần của nhân sâm và tam thất.

Điều bất ngờ là ông Trọng đã “thuần hoá” được loại cây chuyên mọc trên độ cao từ 1.200 m trở lên tại vùng núi Hoàng Liên Sơn về sống ở độ cao thấp hơn (từ 300 đến 700 m so với mực nước biển) tại vùng núi Ba Vì (Hà Nội) và Yên Lập (Phú Thọ), tạo nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

“Nếu trước đây, giảo cổ lam chỉ là loài cây mọc hoang dã, không ai biết tới, thì hiện tại, bà con nông dân có thể trồng, chăm sóc và bán cho đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, mang lại thu nhập ổn định. Từ một cây cỏ vô danh, giảo cổ lam đang trở thành một mặt hàng xa xỉ”, ông Trọng tự hào nói.

Tương tự, các sản phẩm tinh bột gấc, kẹo gấc, tinh bột xoài Thăng Long… được ông Trọng chế biến đã vượt qua các cuộc kiểm định chất lượng khắt khe, được Sở Y tế Hà Nội cấp phép lưu hành toàn quốc và có bán rộng rãi tại các siêu thị, nhà thuốc. Từng sản phẩm có công dụng riêng trong việc bồi bổ, phục hồi sức khoẻ, nhưng theo ông Trọng, điều quan trọng nhất là các sản phẩm này đều có giá bán bình dân, ngay cả những người nghèo, người có thu nhập thấp cũng có cơ hội sử dụng thường xuyên.

Một mặt hàng đặc biệt được ông giới thiệu với chúng tôi là cao xương ngựa bạch có tác dụng bổ sung can xi cho người già, trẻ nhỏ, hỗ trợ chống lão hoá và nhiều bệnh tật khác. Những mẻ cao xương ngựa đầu tiên được ông chế biến từ gần 20 năm trước với nguồn nguyên liệu thu mua là giống ngựa bạch thuần chủng từ Tây Tạng, Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đề xuất với cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Thăng Long đã được UBND huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ giao quản lý, chăm sóc 1.000 ha rừng làm khu bảo tồn, chăm sóc và nuôi dưỡng ngựa bạch Tây Tạng, tạo nguồn nguyên liệu chế biến cao xương ngựa ổn định. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn ngựa bạch cho Công ty cũng góp phần giúp nhiều hộ gia đình tại vùng rừng núi Yên Lập thoát nghèo.

Theo ông Trọng, mục tiêu trong tương lai không xa của Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng Thăng Long là đưa được những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường nước ngoài, nhưng chỉ riêng việc giúp bà con nông dân thoát nghèo cũng là niềm vui rất lớn của ông và các đồng sự.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư