Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Biến “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” thành chiếc áo rách
Nhiệt Băng - 08/09/2022 08:24
 
Chính vì cái tên mỹ miều “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”, mà giờ đây, hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) phải “gánh” trên mình nhiều mảnh đất sai phạm.
Khu vực xung quanh hồ Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) để xảy ra nhiều sai phạm về đất đai
Khu vực xung quanh hồ Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) để xảy ra nhiều sai phạm về đất đai.

Đua nhau lấn chiếm, xây dựng trái phép

Khu vực hồ Tà Đùng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Nơi này cảnh quan đẹp mê hồn, được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”.

Thời gian qua, hồ Tà Đùng thu hút rất nhiều cá nhân đầu tư đất đai, phát sinh nhiều giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đẩy giá đất lên cao. Dù chưa có quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch chi tiết xây dựng, nhưng tại khu vực xã Đắk Som vẫn diễn ra hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, nhà nghỉ, homestay… có sử dụng đất của một số tổ chức, hộ dân. Hoạt động này là hoàn toàn tự phát.

Từ năm 2014, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã xây dựng Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đến năm 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện hàng năm.

Ít nhất 114 ha (trong đó có 65,02 ha đất có rừng) đã bị người dân lấn chiếm. Điều lạ là các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất, cơ quan chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, nhưng hiện trạng vẫn chưa được khắc phục, chưa cưỡng chế giải tỏa.

Tuy nhiên, không hiểu việc quản lý diện tích đất được giao tại một số vị trí, khu vực quanh hồ Tà Đùng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng này “quyết liệt” đến đâu, mà nơi này trở thành “điểm nóng” về lấn chiếm đất, xây dựng công trình, san ủi làm sân, đường sá.

Ít nhất 114 ha (trong đó có 65,02 ha đất có rừng) đã bị người dân lấn chiếm. Điều lạ là các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất, cơ quan chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, nhưng hiện trạng vẫn chưa được khắc phục, chưa cưỡng chế giải tỏa.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, có việc các cơ quan khác thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, giải thửa, kể cả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên diện tích đất được Nhà nước giao, quản lý, sử dụng, nhưng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng không nắm bắt được thông tin, không phát hiện để phối hợp ngăn chặn.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND huyện Đắk Glong, UBND xã Đắk Som, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Glong thực hiện việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, nhất là khu vực xung quanh hồ Tà Đùng còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Nhiều cá nhân xây dựng công trình trái phép, nhưng không xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Năm 2018 và 2019, UBND huyện Đắk Glong không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào. Đến năm 2020, UBND huyện Đắk Glong ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, song việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai không quyết liệt, không cưỡng chế việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm theo quy định tại khoản 1, Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Tất cả các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính (7/7 trường hợp) chưa chấp hành nộp số tiền 137,5 triệu đồng, chưa khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng, nhưng UBND huyện Đắk Glong chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Các khuyết điểm trên có một phần nguyên nhân do đa số các trường hợp vi phạm là công trình kinh doanh dịch vụ du lịch xung quanh hồ Tà Đùng, phục vụ và thu hút khách du lịch đến địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn xã Đắk Som chưa có quy hoạch, phương án quản lý về dịch vụ, dịch vụ, nên việc xử lý các trường hợp vi phạm còn lúng túng.

Đó là chưa kể, trong giai đoạn 2018 - 2021, UBND xã Đắk Som đã thực hiện kiểm tra, cơ bản phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính kịp thời các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng; đã chuyển hồ sơ lên UBND huyện xử lý 11 trường hợp thuộc thẩm quyền xử phạt; ban hành 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của UBND xã. Tuy nhiên, việc đôn đốc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả còn hạn chế.

22 trường hợp đã chấp hành quyết định xử phạt với số tiền hơn 62 triệu đồng (đạt 65,58%). Các trường hợp chưa chấp hành với số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong 26 trường hợp giải quyết hiệu quả, chỉ có 4 trường hợp đã thực hiện, còn lại hầu hết chưa thực hiện và UBND xã Đắk Som cũng chưa có biện pháp cưỡng chế thực hiện.

Đối với 46 hộ dân đang sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dọc Quốc lộ 28, đoạn đi qua xã Đắk Som (khu vực xung quanh hồ Tà Đùng), Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định việc sử dụng sai mục đích, không xin phép chuyển mục đích đất với diện tích lên đến 10.144,98 m2, tương đương số tiền sử dụng đất ở, sử dụng đất kinh doanh thương mại tạm tính theo đơn giá đất UBND tỉnh ban hành là hơn 3,1 tỷ đồng. Trong đó, có 41 hộ làm nhà ở, tạm tính hơn 2,6 tỷ đồng; 5 hộ xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, tạm tính hơn 500 triệu đồng.

Một số công trình nhằm kinh doanh du lịch, lưu trú, homestay, nhà hàng xung quanh khu vực hồ Tà Đùng từ năm 2018 đến năm 2021 xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, không có giấy phép xây dựng, nhưng chưa được xử lý triệt để.

Qua xác minh 21 trường hợp san lấp mặt bằng khu vực xung quanh hồ Tà Đùng với tổng diện tích đất 64.110,7 m2 (500 m2 đất ở nông thôn; 63.610,7 m2 đất nông nghiệp), Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 11 trường hợp có đủ thông tin về đất đai (diện tích 52.533,8 m2). Tuy nhiên, cả 11 trường hợp này đều san lấp đất trái phép, với diện tích vi phạm 45.741,3 m2.

Đặc biệt, trong số 65 “sổ đỏ” cấp trên đất quy hoạch 3 loại rừng, thì các thửa đất số 39 và 40, thuộc Tờ bản đồ số 18, nằm trên địa bàn thôn 4, xã Đắk Som được xác định có nhiều khuất tất nhất.

Cụ thể, theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trình tự thủ tục xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất không có căn cứ, không đúng với thực tế, có dấu hiệu sửa chữa trong hồ sơ kê khai đăng ký, xác nhận, công nhận quyền sử dụng đất...

Ngoài ra, vụ việc này còn có những sai phạm, như giao đất không thu tiền sử dụng, cấp sổ không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch sử dụng đất, không đúng nguồn gốc đất...

Phó chủ tịch huyện “hợp thức hóa” cấp đất cho vợ mình

Trong khi công tác quản lý đất đai tại khu vực hồ Tà Đùng như “cưỡi ngựa xem hoa” thì một số lãnh đạo địa phương lại “tranh thủ” vun vén cá nhân. Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, ngày 7/5/2015, ông Phạm Đặng Quang (khi đó giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong) đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các thửa đất nêu trên cho 2 hộ dân. Đến ngày 15/5/2015, tức 8 ngày sau thời điểm ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số cá nhân có liên quan thuộc UBND xã Đắk Som, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Glong... đã thực hiện thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho bà Phan Thị Liễu. Bà này lại là vợ của ông Phạm Đăng Quang.

Xác minh của Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho thấy, việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng có biểu hiện hợp lý hóa hồ sơ, chữ ký. Riêng ông Phạm Đặng Quang đã trực tiếp ký cấp lại sổ để hợp thức hóa 2 thửa đất trên sang tên cho vợ mình. Bà Liễu sau đó đã sử dụng 2 thửa đất này để xây dựng Cửa hàng xăng dầu Quang Phước.

Việc làm trên được Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định đã gây thất thoát 1.305 m2 đất Nhà nước quản lý, có yếu tố vụ lợi chuyển từ đất Nhà nước quản lý thành quyền sử dụng đất của cá nhân để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Doanh nghiệp Tư nhân Quang Phước. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo khoản 1, Điều 229, Bộ luật Hình sự năm 2015 và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản kiến nghị khởi tố, chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hình thức công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất tại 65 thửa đất với diện tích 773.876 m2 nằm trong diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng mà Nhà nước đã giao cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng quản lý có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo khoản 3, Điều 299, Bộ Luật Hình sự. Sau khi phát hiện, UBND huyện Đắk Glong chỉ mới thu hồi một “sổ đỏ”. Vụ việc này vừa được Thanh tra tỉnh kiến nghị Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ và điều tra, xử lý.

Đắk Nông lập quy hoạch phát triển du lịch Vườn Quốc gia Tà Đùng
Trước tình trạng du lịch tự phát tại Tà Đùng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu không để phát sinh những công trình trái phép, lập quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư