Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 04 năm 2025,
Bình đẳng - “từ khóa” quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân
Nguyễn Lê - 14/04/2025 15:14
 
Bên cạnh bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, kinh tế tư nhân còn cần được bình đẳng cả với cơ quan quản lý nhà nước thì mới có thể trở thành đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.
Nhận xét chung của nhiều chuyên gia là kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Đức Thanh

Chưa bao giờ thuận lợi như thế

Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 44, với 42 nội dung dự kiến được đặt lên bàn nghị sự. Trong khối lượng công việc đồ sộ ấy, có những nội dung mới được bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ chín của Quốc hội, cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, như Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ chín theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Hải quan, Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Đầu tư, Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đó mới chỉ là một số trong gần 60 nội dung thuộc công tác lập pháp, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, cần Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ chín tới. Kỳ họp này, theo ý kiến một số vị chuyên gia và đại biểu Quốc hội, là cơ hội rất tốt để tháo điểm nghẽn về thể chế, đưa kinh tế tư nhân phát triển, trở thành đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, như tiêu đề bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Để phục vụ công tác lập pháp, ban hành chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế tư nhân, cũng như quá trình thẩm tra các nội dung liên quan, tuần trước, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân.

Tại đây, nhận xét chung của nhiều chuyên gia là kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, có lý do từ hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra.

Bởi thế, Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân đang được Bộ Tài chính xây dựng với những đề xuất mạnh mẽ, cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân, được các chuyên gia đánh giá cao.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) hơn một lần chỉ rõ sự thuận lợi trong cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân. “Chưa bao giờ có cơ hội tốt như hôm nay, Tổng Bí thư đã mở đường cho chúng ta về cải cách thể chế, với những chỉ đạo rất sát thực tế, rất đúng”, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh.

Không thể cứ mãi xin - cho

Theo các chuyên gia, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, loại bỏ triệt để cơ chế xin - cho, là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong chính sách lập pháp tới đây.

“Cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật từ thiên về quản lý, không quản được thì cấm, năng lực đến đâu thì mở ra đến đấy sang hệ thống pháp luật đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Nhận xét một số quy định hiện hành đã trở thành rào cản với doanh nghiệp tư nhân, ông Cung đề nghị cần tạo điều kiện để khối này tiếp cận được đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ. Cùng với đó là cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Tán thành ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, “có những cái xưa như trái đất, rõ như ban ngày, nhưng nói mãi vẫn chưa có sự chuyển biến”. Chính sách cho kinh tế tư nhân tới đây “dứt khoát phải có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đây là nút thắt lớn nhất, không thể cứ xin - cho mãi được”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, từ thực trạng đã được nhận diện, Quốc hội cần hình thành chính sách mạch lạc, nhất quán trong mọi hoạt động lập pháp.

“Đầu tiên là chuyển từ quản lý, kiểm soát sang kiến tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Cung là phải đi theo hướng đấy. Một trong những định hướng cơ bản là cắt giảm các thủ tục. Đây là định hướng chiến lược của lập pháp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vấn đề rất quan trọng nữa, theo vị chuyên gia này, là xây dựng môi trường kinh doanh bảo đảm minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử. “Đã là kinh doanh là một môi trường, một khung khổ pháp lý, quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhà nước sai cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, mọi thành phần đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu chúng ta không có bình đẳng, thì không có môi trường để phát triển được”, ông Dũng nêu trọng tâm tiếp theo của công tác lập pháp.

“Bảo vệ quyền tự do tài sản, quyền tự do kinh doanh tối đa, tạo khuôn khổ môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; không có môi trường kinh doanh với quan hệ thân hữu, đi đêm, đi ngày”… cũng là những vấn đề được nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý.

Những hành động cụ thể được vị chuyên gia này đề cập như rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành liên quan tới kinh tế tư nhân, từ đầu tư, đất đai, thuế, đấu thầu, đến kinh doanh và cạnh tranh. Tập trung phát hiện, kiến nghị sửa đổi, hoặc bãi bỏ các quy định tạo ra sự phân biệt đối xử, làm phát sinh cơ chế xin - cho. Mục tiêu là làm sạch sân chơi để tư nhân yên tâm cạnh tranh công bằng.

“Cần thiết lập cơ chế giám sát lập pháp với lợi ích nhóm và cài cắm chính sách. Tăng cường vai trò của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trong giám sát chất lượng lập pháp, nhất là đối với dự án, dự thảo luật có nguy cơ tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đề xuất thiết chế kiểm tra đột xuất để kiểm tra xung đột lợi ích trong quy trình lập pháp vì xung đột lợi ích rất nhiều”, ông Dũng nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn lại quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm, nêu rõ phải xác định tầm nhìn, sứ mệnh của kinh tế tư nhân sẽ là lực lượng tiên phong trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giúp đất nước nâng sức cạnh tranh để tham gia vào sự đổi mới năng động và hội nhập. Để phát triển một nền kinh tế thịnh vượng, độc lập, tự chủ, tự cường, thì phải dựa vào chính nội lực của nền kinh tế là kinh tế tư nhân.

Cho rằng, các ý kiến chuyên gia đã chỉ ra những mặt hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phối hợp cùng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân nào là căn bản, cốt lõi để tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền, hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế tư nhân.

Minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, theo Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi), sẽ hoàn thiện quy định thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền liên quan đến quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi”.

Bộ Tài chính đánh giá, thực tế nước ta đã phát sinh tình trạng “núp bóng sở hữu” với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội, mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp đều đặt ra yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi còn là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Thủ tướng: Giải phóng toàn bộ sức sản xuất của nền kinh tế thông qua phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư