Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bình Định - Phú Yên: Cánh cửa hướng Đông của đại ngàn Tây Nguyên
Việt Hương - 18/07/2020 11:57
 
Khi những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” về ngày một đông, Bình Định – Phú Yên đang phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông sớm hoàn thiện.

Việc này sẽ mở ra một hành lang kinh tế Đông - Tây mới, kéo gần Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ, liên kết xuyên Á để tạo đà bứt tốc.

Phối cảnh Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Yên - một trong 10 khu thực hiện chức năng kết nối, liên kết vùng trong chuỗi phát triển nông nghiệp của khu vực.
Phối cảnh Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Yên - một trong 10 khu thực hiện chức năng kết nối, liên kết vùng trong chuỗi phát triển nông nghiệp của khu vực.

Từ hành lang kinh tế hướng Đông

Hai “đại công trình” hầm đường bộ đèo Cả và đèo Cù Mông được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp Bình Định và Phú Yên thoát khỏi thế “kìm kẹp”, rút ngắn cự ly từ Bình Định đến Khánh Hòa, tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn giao thông. Hệ thống giao thông thông suốt này đã giúp cho sự giao thoa về mặt kinh tế, văn hóa, du lịch của hai địa phương này.

Cùng với Quốc lộ 1A, tại Phú Yên có 3 Quốc lộ khác đi qua (Quốc lộ19, Quốc lộ 25 và Quốc lộ 29) kết nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó có thể nối với đường xuyên Á qua các nước trong bán đảo Đông Dương. Những dự án này đều phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, trên bản đồ quốc tế, Phú Yên là trung độ, có khả năng phát triển hàng không, đường sắt xuyên Á, mở ra cơ hội mới – cơ hội của việc hội nhập và phát triển kinh tế vùng trên trục kinh tế Đông - Tây mới

Bên cạnh đó, những dự án đang được“lập trình” và sẽ triển khai trong tương lai gần như tuyến đường sắt nối khu vực Tây Nguyên: Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước (dài 550 km); Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột (169 km).

Còn với Bình Định, bên cạnh Quốc lộ 1A thì tuyến Quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ1A vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp kết nối, giao thương giữa Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên được thuận tiện hơn.

Quốc lộ 19 được xem là trục xương sống nối các tỉnh Tây Nguyên gần lại, để đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư. Dự án  được khởi công xây dựng từ cuối năm 2012, thuộc nhóm A  và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Bình Định, với tổng mức đầu tư 4.410 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành, mở ra một tàm nhìn mới mang tính quy hoạch chiến lược của địa phương;  có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết vùng, là hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn và Tây Nguyên và các nước láng giềng Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan được quy hoạch theo tuyến Quốc lộ 19 hiện nay.

Việc Bình Định đưa tuyến QL này vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Quy Nhơn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bình Định giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.814 tỷ đồng, đạt 42,6% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Định vẫn tập trung vốn đầu tư công để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, như đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội, đường phía Tây tỉnh nối Quy Nhơn với Khu công nghiệp Becamex, Quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến nút giao Quốc lộ 1A…

Đến giấc mơ xuyên Á

Cả Phú Yên và Bình Định là 2 địa phương đang có cơ hội phát triển lớn khi Khu kinh tế Nam Phú Yên được thành lập và quy hoạch ven biển nhằm phát triển đô thị, thương mại, cảng biển, các khu đóng tàu…; Và Bình Định với trung tâm kinh tế hướng biển được điều chỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài lên hướng Tây đang tạo thành một hành lang kinh tế từ việc phát triển đô thị, du lịch đến khu công nghiệp khép kín.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương cho biết: Nghị quyết Đảng bộ Phú Yên đã xác định tập trung phát triển cửa ngõ quan trọng của địa phương. Chiến lược đó đã được cụ thể hóa bằng các dự án hạ tầng trọng điểm, tiếp đến là phát triển mở rộng không gian hướng biển, đô thị Tuy Hòa; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tuy Hòa…

Thực hiện chiến lược thu hút đầu tư, Phú Yên đã định hướng và mời gọi được các nhà đầu tư lớn như Vinamilk, TH, Thaco, Vingroup, Sun Group… đều là những “sếu đầu đàn” có vai trò dẫn dắt, lan tỏa, tạo động lực thu hút thêm nhiều dự án đầu tư và tạo bước ngoặt cho phát triển đột phá.

Là một trong những cảng biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cảng Quy Nhơn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đây còn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ.

Giám đốc Sở Công thương Bình Định, ông Ngô Văn Tổng cho biết, năm tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh thực hiện đạt 911,6 triệu USD, tăng 8,94% so với năm 2018 và bằng 104,8% kế hoạch năm. Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là khối các doanh nghiệp tư nhân (đạt giá trị 797,3 triệu USD), chiếm hơn 87% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tiếp theo là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 88,1 triệu USD); cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (đạt 26,2 triệu USD). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng cao là các sản phẩm gỗ, đồ gỗ nội thất, hàng thủy sản, may mặc, gạo... Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ta hiện có mặt tại 91 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Và ngày 7/7 mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực vượt  Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bình Định đã có những bước phát triển mới với những chiến lược được hoạch định cụ thể, rõ ràng. Điều này thể hiện năng động, sáng tạo và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

Tại sự kiện này, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xem xét, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Bình Định dài 170 km) trong giai đoạn 2021 - 2025 và cho chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 160 km.

Cùng với việc tập trung phát huy mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tạo liên kêt, việc tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên; Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đưa vào quy hoạch; các tuyến đường bộ, sân bay, cảng biển đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp, mở rộng sẽ tạo cú hích giúp cho Bình Định và Phú Yên sớm thực hiện hóa “giấc mơ” xuyên Á.

Ý kiến – Nhận định

Phú yên phải tìm ra chiến lược để bứt phá - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phú Yên định hướng chiến lược ra sao để bứt phá. Bởi, Phú Yên rất có tiềm năng phát triển, hạ tầng giao thông ổn, đường bộ có đầy đủ cả trục ngang trục dọc, có cả sân bay, chất lượng nguồn nhân lực cũng tốt… Chính vì vậy, nếu tìm thấy nguyên nhân căn cơ khiến Phú Yên mãi khó khăn, tìm ra giải pháp để giải quyết, thì sẽ phát triển bứt phá hơn trong giai đoạn tới.

Đầu tư hạ tầng sẽ căn cứ vào tầm nhìn dài hạn - Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ

Với Bình Định, ở hướng Đông Bắc sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát; hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19 - một huyết mạch được cho là cánh cửa của khu vực Tây Nguyên và phía Nam; và Đông Nam là tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn mà cánh cửa là hầm đèo Cù Mông. Ở mỗi một công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, là tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội và đặt trong bối cảnh liên kết, thông thương khu vực, trong phạm vi quốc gia và tính toán đến liên kết quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phú Yên định hướng chiến lược ra sao để bứt phá?
Đây là câu hỏi lớn nhất mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra với lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư