Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Bình Dương tăng tốc đầu tư công: Dự án xử lý nước thải tăng tốc sau dịch
Trần Tuấn - 14/11/2021 17:31
 
Ngay khi hết thời gian giãn cách xã hội, các dự án chuyên ngành xử lý nước thải tại Bình Dương đã tăng tốc đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thành sớm nhất để đưa vào vận hành.
Thi công Dự án hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương II
Thi công Dự án hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương II

Dồn lực thi công

Theo Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương, trong 3 tháng cuối năm 2021, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, đơn vị này dồn lực cùng các nhà thầu thi công xây dựng 2 dự án chuyển tiếp để hoàn thành theo tiến độ đề ra. Do đó, ngay khi tỉnh hết áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, các nhà thầu đã huy động cao nhất thiết bị máy móc, nhân lực để thi công các hạng mục theo hợp đồng xây lắp đã giao kết.

Có mặt trên công trường gói thầu xây dựng tuyến kênh thoát nước số 2, thuộc Dự án Hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương II (thị xã Bến Cát), phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận sự khẩn trương của các nhà thầu nhằm khắc phục tiến độ bị trễ sau thời gian ngưng thi công vì dịch. Trên thực địa tuyến công trường dài 1 km, phía tả tuyến kênh nhìn từ sông Sài Gòn, các nhà thầu huy động hàng chục nhân công, máy móc thi công đóng cừ sắt, đặt cốt thép chuẩn bị đổ bê tông những đoạn bờ kè cuối tuyến.

Năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công các dự án chuyên ngành nước thải hơn 449,15 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2021, số vốn giải ngân được 257,153 tỷ đồng, đạt 57%. Ban quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương đặt quyết tâm cao giải ngân 100% số vốn được phân bổ theo kế hoạch năm.

Cách đó không xa, nhiều xe gầu, xe lu đang thi công nền hạ tuyến đường cập kênh cùng hàng chục công nhân đúc các đốt cống thoát nước. Để đẩy nhanh tiến độ trong điều kiện trời mưa nhiều, nhà thầu tập kết đá dăm lót đường phía hữu tuyến kênh để phương tiện thi công tiếp cận nhanh nhất hiện trường xây dựng.

Đại diện liên danh nhà thầu Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Đại Á Châu và Công ty TNHH Đại Phú Thịnh cho biết, thời gian gần đây, tình hình thời tiết khu vực phía Nam không thuận lợi cho công tác thi công vì mưa nhiều, cộng với giá cả tăng, cũng như khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, nhân công, đang đặt ra những khó khăn nhất định. Song nhà thầu vẫn quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án Hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương II có vai trò quan trọng cho sự phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Bến Cát. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng. Hiện tại, gói thầu thi công xây dựng tuyến kênh thoát nước số 2 đạt 80% khối lượng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, từ tháng 7 đến tháng 9/2021, công trường phải tạm dừng thi công, dẫn tới chậm tiến độ. Gói thầu đã khởi động thi công trở lại từ giữa tháng 9/2021. Chủ đầu tư đang đốc thúc các nhà thầu nỗ lực hoàn thành đưa Dự án vào sử dụng trong năm 2021.

Tương tự, tiến độ thi công một dự án nước thải quan trọng khác tại Bình Dương cũng đang được đẩy mạnh sau dịch. Đó là gói thầu LCB/05 - Nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một, thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn II. Gói thầu này trị giá 268 tỷ đồng, với mục tiêu nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một từ 17.650 m3/ngày đêm, lên 35.000 m3/ngày đêm. Hạng mục chính là bể ASBR (gồm 4 đơn nguyên) dài 81 m, rộng 38,4 m, cao 6,1 m, kết cấu chịu lực chính bằng bê tông cốt thép lắp đặt thiết bị xử lý nước thải công nghệ hiện đại.

Trong thời gian tỉnh Bình Dương giãn cách chống dịch, tại dự án này, nhà thầu đã tổ chức “3 tại chỗ”, nhưng hoạt động thi công vẫn cầm chừng do thiếu nguyên vật liệu và thiết bị nhập khẩu không thể cập cảng vì Covid-19. Tuy vậy, chủ đầu tư và nhà thầu đã nỗ lực đạt khối lượng thực hiện hơn 60% theo hợp đồng xây lắp. Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương, nhiều khả năng phải gia hạn tiến độ hoàn thành của gói thầu này thêm 3 tháng để bù tiến độ bị trễ vì dịch bệnh. Dự kiến, tới cuối tháng 2/2022, nhà máy xử lý nước thải này sẽ bắt đầu chạy thử.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, trong năm 2021, Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải được UBND tỉnh Bình Dương giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công điều chỉnh để thực hiện các dự án chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án là 449,15 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2021, số vốn giải ngân được 257,153 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch điều chỉnh, bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Ban Quản lý đặt quyết tâm cao đến ngày 31/12 giải ngân 100% số vốn được phân bổ theo kế hoạch điều chỉnh.

Tăng đầu tư cho môi trường

Có thể thấy, giai đoạn vừa qua, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư công cho các dự án thuộc nhóm bảo vệ môi trường, cấp thoát nước, nhằm đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững sau giai đoạn dài đạt tốc độ công nghiệp hóa cao. Đáng chú ý là Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (giai đoạn II), với tổng mức đầu tư lên tới 4.497 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn ngân sách tỉnh đối ứng. 

Trong kỳ đầu tư công trung hạn tới đây, tỉnh Bình Dương tiếp tục ưu tiên vốn cho các dự án môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải. Theo số liệu sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2015 cho nhóm dự án bảo vệ môi trường, cấp thoát nước chiếm khoảng 14% trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư công. Hiện tại, việc giao kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh tổ chức họp và HĐND tỉnh Bình Dương thông qua vào kỳ họp cuối năm. Theo đó, các dự án được giao cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh làm chủ đầu tư khoảng 1.964 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ bố trí vốn đối ứng từ nguồn dự phòng cho 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sau khi thông qua chủ trương đầu tư.

Thứ nhất là Dự án Cấp nước và xử lý nước thải thị xã Bến Cát (tổng mức dầu tư 1.200 tỷ đồng) đang lập chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai là Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng, sử dụng 85% nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án này sẽ đầu tư xây dựng mới Nhà máy Xử lý nước thải Tân Uyên, công suất 20.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom. Nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Thuận An, công suất 20.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom. Nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Dĩ An, công suất 20.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom. Cải tạo kênh thoát nước Suối Tre - Tân Uyên. Tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện dự án để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, trong quá trình triển khai giải ngân vốn đầu tư công và chuẩn bị các dự án trong giai đoạn trung hạn 2021- 2025, Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương luôn sáng tạo trong công việc, đảm bảo chất lượng khâu chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng.

“Sau giãn cách xã hội, tỉnh Bình Dương đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Công tác lựa chọn nhà thầu được chúng tôi quan tâm, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch nhằm lựa chọn cho được những nhà thầu có năng lực tốt. Nhờ vậy, việc thi công các công trình nước thải do chúng tôi làm chủ đầu tư đạt tiến độ nhanh. Điều quan trọng là chúng tôi luôn nỗ lực đảm bảo các dự án xây dựng phải có mặt bằng sạch để giao nhà thầu thi công. Theo đó, về nguyên tắc, đảm bảo giải phóng mặt bằng được trên 70% thì mới phê duyệt kế hoạch đấu thầu”, bà Vân nói.  

Ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc gặp gỡ trực tiếp với các đơn vị tư vấn chuẩn bị tài liệu dự án và tiếp xúc với người dân để triển khai khảo sát công bố đơn giá đền bù giải tỏa mặt bằng gặp khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Giải pháp tháo gỡ khó khăn được Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải đưa ra là ứng dụng chuyển đổi số vào các khâu quản lý dự án.

Chẳng hạn, trong khâu chuẩn bị đầu tư, nhằm đảm bảo chất lượng tài liệu để trình phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải đã tăng cường họp trực tuyến, xem xét các tài liệu của tư vấn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin một cách nhanh nhất. Còn ở khâu lựa chọn nhà thầu, Ban áp dụng phương thức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi như chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với nút thắt đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Ban phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương chủ động làm trước những thủ tục không phải tiếp xúc với người dân, sau đó tiến hành khảo sát và họp dân khi đủ điều kiện cho phép.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương khẳng định, với năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án, năng lực nhà thầu đảm bảo yêu cầu, các dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương được chuẩn bị đầu tư tốt nhất từ khâu lập dự án để bước triển khai thực hiện đầu tư thuận lợi, tạo tiền đề đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, tiến độ xây dựng và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

TP.HCM: Hoàn chỉnh phương án đi lại với tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã hoàn chỉnh phương án tổ chức đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh cho người lao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư