Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao
Phạm gia - 02/12/2015 09:30
 
Một trong những trọng tâm phát triển kinh tế được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt ra tại Đại hội Đảng bộ khóa X, giai đoạn 2016 - 2020 là phát triển công nghiệp theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ.
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương mới đây, ông Trần Văn Nam, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, mục tiêu của tỉnh là nâng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP là 13,3%); phấn đấu tới năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho việc kêu gọi nhà đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, hàng năm giải quyết việc làm cho 45.000 lao động.

Đồng thời, Bình Dương sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, cơ khí, hóa chất…; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và sản xuất hàng phục vụ thị trường trong nước, tham gia sâu rộng chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh sẽ phát triển công nghiệp ở phía Nam theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Khuyến khích phát triển công nghiệp ở phía Bắc gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

Phấn đấu tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 26% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng trưởng giá trị ngành dịch vụ đạt 10,2%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 18%/năm, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 15%/năm.

Trong đó, nhiệm vụ chính sẽ là xây dựng các khu thương mại tại khu vực Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo hướng hiện đại gắn với phát triển các khu đô thị mới. Phát triển các khu siêu thị phục vụ các khu công nghiệp, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển dịch vụ khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Dương và TP.HCM cùng các tỉnh trong cụm miền Đông và Tây Nam Bộ.

Để đạt được mục tiêu trên, trọng tâm chính của Bình Dương là hình thành cơ chế chính sách, sẵn sàng hạ tầng để thu hút các thành phần kinh tế và đầu tư phát triển. Theo đó, chiến lược mà tỉnh đề ra là tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 485.000 tỷ đồng, tăng trung bình 11%/năm, chiếm 31,6% GRDP. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 44,4%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,9%, còn lại là các nguồn vốn khác.

Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới các tổng công ty nhà nước theo đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng được tỉnh Bình Dương đề ra. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư hiệu quả ra ngoài tỉnh và hướng đến đầu tư ra nước ngoài.

Bình Dương - điểm sáng thu hút FDI
Chỉ 1 tháng nữa là năm 2015 khép lại, nhưng có thể khẳng định, Bình Dương lại có thêm một năm gặt hái những trái ngọt từ thu hút vốn đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư